Kinh tế - Xã hội

CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN TRẺ EM VÀ THANH THIẾU NIÊN VIỆT NAM TRONG ĐẠI DỊCH COVID- 19

  • 29/12/2021
  • TS Hà Thị Thanh Hương, Nhóm nghiên cứu Sức khỏe não bộ, Trưởng bộ môn Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế
    Nguyễn Thanh Trúc Quỳnh, Nhóm nghiên cứu Sức khỏe não bộ, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế
    Đỗ Trần Minh Hiệp, Kỹ sư Y Sinh, Nhóm nghiên cứu Sức khỏe não bộ, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế
    Lê Hoàng Khang, Sinh viên Đại học Quốc tế, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế
    ----------

    Tóm tắt: Lần trở lại thứ 4 của đại dịch COVID- 19 tại Việt Nam đã gây ra nhiều thay đổi trong đời sống trẻ em và thanh thiếu niên. Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên cũng trở nên trầm trọng hơn giai đoạn trước. Bài viết nhằm cung cấp cho phụ huynh những phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần đúng cách cho trẻ em và thanh thiếu niên (từ 7 đến 15 tuổi) trong đại dịch COVID-19.

    Từ khóa: Sức khỏe tinh thần, Đại dịch COVID-19, Trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

     

    Do diễn biến nghiêm trọng của tình hình COVID-19 ở Việt Nam, Chính phủ đã có những biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng mà dịch bệnh gây ra. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, thói quen sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của người dân, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Các nghiên cứu thế giới đã chứng minh, có ít nhất 13% trẻ từ 10 đến 19 tuổi mắc rối loạn tâm thần trong đại dịch. Phụ huynh và con trẻ cần trang bị những biện pháp phòng, chống các vấn đề về sức khỏe tinh thần trong đại dịch. Bài viết sẽ cung cấp cho phụ huynh những chỉ dẫn quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc tinh thần của trẻ em trong đại dịch

    ẢNH HƯỞNG COVID-19 ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ SỨC KHỎE TINH THẦN TRẺ EM VÀ THANH THIẾU NIÊN VIỆT NAM

    Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, trẻ em và thanh thiếu niên phải đối diện với nhiều thay đổi trong đời sống xã hội. Giãn cách xã hội khiến trẻ em không thể đến trường, hình thức học tập trực tuyến được thay thế cho hoạt động học tập truyền thống. Trẻ mất đi một số không gian sinh hoạt cộng đồng và thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên [1]. Giao tiếp với bạn bè và gia đình cũng thay đổi: hạn chế trong gặp gỡ, giao lưu với bạn bè nhưng tăng tần suất giao tiếp với các thành viên gia đình. Tuy nhiên, một số trẻ lại gặp khó khăn trong việc trò chuyện và chia sẻ với người lớn, làm phát sinh những mâu thuẫn với các thành viên gia đình [2].

    Ngoài ra, mặt trái của việc học online là khiến trẻ tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị công nghệ, từ đó làm tăng khả năng trẻ tiếp xúc các nội dung tiêu cực (sai lệch, bài ngoại, kích động tự tử và hành vi tự làm hại); tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại hoặc bị bắt nạt qua mạng xã hội bởi các hình ảnh, video không phù hợp với lứa tuổi… [3]. Các yếu tố này tác động tiêu cực lên sự phát triển tâm lý trẻ và làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần đối với trẻ em và thanh thiếu niên (Yến, 2015).

    Theo Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Việt Nam (UNICEF Việt Nam), trung bình cứ 7 trẻ sẽ có 1 trẻ từ 10 -19 tuổi trên thế giới được chuẩn đoán mắc rối loạn tâm thần [4]. Trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc triệu chứng như: trầm cảm 48.2%, lo âu 36.7% và mất ngủ 48.2%; tăng 24% so với giai đoạn trước đại dịch [5 - 7]. Có ít nhất 13% trẻ từ 10 đến 19 tuổi được chẩn đoán mắc rối loạn sức khỏe tâm thần trong đại dịch [8].

    Mặt khác, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, nhất là ở các trẻ em và thanh thiếu niên, vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc phát hiện muộn và thiếu sự ưu tiên trong chẩn đoán và điều trị làm trầm trọng thêm các tổn thương tâm lý và hệ lụy nguy hiểm của chúng [2]. Vì vậy, cần có những biện pháp nâng đỡ và hỗ trợ tinh thần con em trong thời điểm nhạy cảm này. 

    A picture containing logoDescription automatically generated
    Hình 1: Những thay đổi về thói quen và cuộc sống của thanh thiếu niên trong đại dịch COVID-19.

    CÁC BIỆN PHÁP CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

    Chấp nhận để thích nghi với thay đổi về mặt xã hội

    Đầu tiên, cả cha mẹ và con cái cần nhận thức đúng những thay đổi về mặt xã hội. Những thay đổi này là điều khó tránh khỏi đối với mọi người nhưng cũng là điều cần thiết bảo vệ sức khoẻ của bạn và gia đình trước sự tấn công của virus. Vì vậy, chúng ta cần chấp nhận và thích nghi tốt với bối cảnh hiện tại. Kể cả khi các hoạt động vận động ngoài trời bị hạn chế, trẻ vẫn cần được luyện tập các hoạt động thể chất nhẹ nhàng tại nhà để tăng cường sức khỏe. Cha mẹ cũng cần rèn cho con thói quen ăn uống đầy đủ, đúng giờ, ngủ đủ giấc, hạn chế việc thức khuya. Đây sẽ là giai đoạn thích hợp để con luyện tập hoạt động văn hoá nghệ thuật và trí tuệ tại nhà như:

    • Các trò chơi dân gian: chơi cờ, đố vui, ô ăn quan
    • Học múa, hát
    • Học đàn
    • Học nấu ăn
    • Đọc sách và tự học

    Đó là các hoạt động cần thiết cho sự phát triển về văn hóa và trí tuệ của trẻ. 

    Quản lý an toàn trên mạng xã hội của con

    Trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay dành nhiều thời gian hơn trên mạng [9]. Việc kết nối với mạng xã hội giúp giảm bớt tác động của COVID-19 lên trẻ và khuyến khích trẻ tiếp tục nhịp sống quen thuộc [10]. Nhưng nó cũng mang đến những rủi ro và nguy hiểm [11].

    Việc cấm đoán gay gắt hoặc quá lơ là con cái khi sử dụng mạng xã hội là không nên. Vì vậy, phụ huynh cần giám sát hoặc đồng hành cùng trẻ [10]:

    1. Hướng dẫn con sử dụng các ứng dụng, trang web trong việc học tập online và giải trí.
    2. Trò chuyện với con và cảnh báo con cái những nội dung không phù hợp độ tuổi. 
    3. Không cấm đoán nhưng cần có những quy định cụ thể thời gian con được phép sử dụng điện thoại, máy tính, cũng như các hình thức kết nối và sử dụng internet khác.
    4. Để ý đến những dấu hiệu bất ổn về tâm lý và hành vi của trẻ, có thể liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, chẳng hạn như: khó chịu, buồn bã, sợ hãi, trở nên cáu gắt, có hành vi bạo lực, phát ngôn nhạy cảm... Khi phát hiện các dấu hiệu này, cần chấn chỉnh để bảo vệ trẻ kịp thời.
    A picture containing textDescription automatically generated
    Hình 2: Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn trẻ cách lên mạng an toàn [12].

    Kỹ năng quản lý cảm xúc và giải quyết vấn đề giúp con trẻ ứng phó với rối loạn tâm thần

    Trong bối cảnh xã hội hiện nay, trẻ cần được trang bị tốt những kỹ năng quản lý cảm xúc nhằm đối phó với những tình huống tồi tệ liên quan đến COVID-19. Các kỹ năng này sẽ giúp trẻ phòng ngừa các rối loạn về stress, lo âu và trầm cảm. Ngược lại, nếu không biết cách quản lý cảm xúc, trẻ sẽ dễ nóng giận, hành động bồng bột và thiếu suy nghĩ. 

    Quản lý cảm xúc gồm 2 bước cơ bản:

    • Bước 1: Trẻ gọi tên được cảm xúc của mình. 

    Thay vì kiểm soát cảm xúc hoặc bắt trẻ dồn nén và che giấu cảm xúc trước một tình huống khó, trẻ cần được hướng dẫn cách gọi tên được cảm xúc đang hiện diện:

    Hình 3: Phụ huynh nên trò chuyện và hướng dẫn để trẻ có thể thổ lộ và nói ra được những cảm xúc của bản thân.

    Việc gọi tên được cảm xúc giúp trẻ hiểu hơn về những gì đang diễn ra với chúng và có thể giải tỏa những cảm xúc khó nói nên lời. Cha mẹ đừng chỉ trích mà thay vào đó là nâng đỡ cảm xúc để trẻ có cơ hội được thổ lộ.

    Sau đây là một số hướng dẫn của UNICEF [13] có thể giúp phụ huynh có thể bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ:

    - Hãy bắt đầu bằng việc hỏi trẻ “cuộc sống của con đang như thế nào”. Hãy trò chuyện về trường học, bạn bè, những điều mà trẻ thích và không thích cũng như điều gì làm trẻ cảm thấy khó khăn.

    - Hãy sử dụng những câu chuyện hằng ngày khơi gợi được các cảm xúc khác nhau ở trẻ như là thắng một cuộc thi đấu thể thao hay là bị điểm xấu, để hiểu tạo một sự kết nối mạnh mẽ giữa cha mẹ và con cái.

    - Khi trẻ lớn hơn, hãy tâm sự về những sự thay đổi về thể chất và tâm lý ở tuổi dậy thì để trẻ có thể biết được điều gì có thể sẽ xảy ra và biết rằng đó là điều bình thường. Hãy luôn kiểm tra xem trẻ đang cảm thấy thế nào và tâm sự để giải quyết vấn đề nếu trẻ đang cảm thấy lo lắng hoặc thắc mắc.

    • Bước 2: Hướng dẫn trẻ nhận diện và giải quyết vấn đề đi kèm cảm xúc

    Dưới đây là mô hình hướng dẫn cho phụ huynh giúp con giải quyết vấn đề.

    DiagramDescription automatically generated
    Hình 4: Cách để phụ huynh hướng dẫn con cái để trẻ kết nối với các vấn đề theo sau cảm xúc và giải quyết chúng.

    Ví dụ như khi trẻ cảm thấy buồn vì trong giai đoạn giãn cách xã hội nên không thể ra ngoài vui chơi với các bạn. Vậy vấn đề có thể là do “con muốn giao tiếp với mọi người, muốn được giải trí hoặc thư giãn”. Từ đó, cha mẹ có thể san sẻ cùng con tìm ra cách giải quyết vấn đề như: “Con có thể gọi điện thoại cho bạn mình một chút (15 phút) thay vì ra ngoài vào lúc này, sẽ không an toàn”, “Con có thể chơi một trò chơi cùng với bố, bởi vì bố cũng đang rất buồn chán”.

    Thắt chặt tình cảm gia đình

    Trẻ ở nhà thường xuyên nên nhu cầu giao tiếp với mọi người cũng tăng cao. Trong khi phụ huynh ở nhà làm việc, chăm con cái, lại phải đối diện với nhiều áp lực sẽ khó tránh khỏi việc xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ dễ trở nên nổi cáu, tức giận với trẻ vì những lý do vô cớ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. 

    Hãy nhớ rằng bạn cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn, do đó những cảm xúc như đau buồn, tức giận... xuất hiện là điều tự nhiên. Việc bạn thể hiện cảm xúc trước mặt con là khó tránh khỏi. Nhưng hãy đảm bảo những biểu hiện đó không làm con sợ, và cư xử một cách chân thành. Hãy chia sẻ với trẻ về cảm xúc của bạn và trấn an rằng không có điều gì sai khi thể hiện cảm xúc của bản thân và cho người khác thấy. 

    Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng việc cải thiện khả năng nhận thức và giao tiếp của thanh thiếu niên có thể hiệu quả trong việc phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho trẻ [1].

    Đại dịch cũng khiến cũng ta phải nhìn nhận lại cách giáo dục và chăm sóc trẻ em. Một bộ phận phụ huynh trở nên lơ là hơn với những hành vi của con cái hoặc có xu hướng “thỏa hiệp” với một số hành động của trẻ: “Vì phải ở cùng con nhiều, nên chúng tôi bỏ qua một số hành vi của trẻ và để chúng được tự do hơn. Tuy nhiên, các con lại không biết giới hạn của mình. Điều này dẫn đến việc một số quy định của gia đình bị buông lỏng trong khoảng thời gian cách ly. Trẻ nghĩ rằng những quy định này không quan trọng và chúng có thể tùy ý thay đổi” [14].

    Cũng có rất nhiều mâu thuẫn gia đình tồn tại trong khoảng thời gian các thành viên ở cùng với nhau. Nguyên nhân chính là sự tách biệt về khoảng cách thế hệ. Cả cha mẹ và con cái đều thiếu cảm thông đối với nhu cầu giao tiếp của nhau [10]. Vì vậy, trong khoảng thời gian đại dịch này phụ huynh tâm sự với con, chú ý hơn đến thái độ và hành vi của mọi người để có cách cư xử phù hợp, hoặc giải quyết mâu thuẫn nhẹ nhàng hơn.

    Mặt khác, khoảng thời gian này sẽ là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ gia đình nhiều hơn. Cũng trong nghiên cứu của Öngören, những người được phỏng vấn đã trả lời rằng: “Nhờ làm việc tại nhà mà chúng tôi có cơ hội để dành nhiều thời gian hơn cho con cái, cùng nhau làm nhiều thứ mà trước kia không thể do bận rộn công việc hay học hành. Hơn hết, mọi người giúp đỡ và chia sẻ với nhau những công việc nhà (dọn dẹp và sắp xếp lại phòng ngủ, nhà bếp, phòng ăn...). Cha mẹ có thể trò chuyện cùng con nhiều hơn và thắt chặt tình cảm hơn” [14].

    Kết: Trong đại dịch COVID-19, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ và thanh thiếu niên là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm để có cách nuôi dạy, chăm sóc và bảo vệ con phù hợp. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, Việt Nam trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Tuy nhiên, những hệ lụy về sức khỏe tâm thần lên thanh thiếu niên thì vẫn là vấn đề thách thức đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, người bệnh và người chăm sóc. Nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của COVID-19 đối với sức khoẻ tinh thần con em, phụ huynh hãy là người bạn đồng hành, cùng con giải quyết áp lực về mặt tâm lý, kết nối và thắt chặt hơn tình cảm gia đình.

                      

    Tài liệu tham khảo:

    [1] Vũ Nhật Minh, Kích thích sự phát triển của trẻ trong đại dịch COVID-19. From Thông Tấn Xã Việt Nam - thông tin về dịch COVID 19: https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/kich-thich-su-phat-trien-cua-tre-trong-dai-dich-covid-19/c8bb4d60-5460-4e29-94ce-11cd0408dec0. Updated 31/05/2021

    [2] Imran N, Zeshan M, Pervaiz Z. Mental health considerations for children & adolescents in COVID-19 Pandemic. Pak J Med Sci. 2020;36(COVID19-S4):COVID19-S67-S72. doi: https://doi.org/10.12669/pjms.36.COVID19-S4.2759

    [3] Hải Yến, Nguy hiểm đáng sợ từ “bắt nạt trên mạng”. From Tuổi Trẻ Online: https://tuoitre.vn/nguy-hiem-dang-so-tu-bat-nat-tren-mang-766965.htm. Updated 26/06/2015

    [4] UNICEF. (2021, May 10). UNICEF Việt Nam - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. From Tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở trẻ em và thanh thiếu niên, “bề nổi của tảng băng chim”

    [5] Chi, X. &. (2020). Mental Health problems among Chinese adolescents during the COVID-19: The importance of nutrition and physical activity. International Journal of Clinical and Health Psychology. doi:10.1016/j.ijchp.2020.100218

    [6] Heather Huszti, S. M. (2020, May 8). How living through a pandemic like COVID-19 can affect children’s mental health. From CHOC: https://health.choc.org/how-living-through-a-pandemic-like-covid-19-can-affect-childrens-mental-health/

    [7] Leeb, R. T. (2020). Mental Health–Related Emergency Department Visits Among Children Aged <18 Years During the COVID-19 Pandemic — United States, January 1–October 17, 2020. Morbidity and mortality weekly report, 45.

    [8] Young people’s mental health is finally getting the attention it needs. (14 October 2021). From The international journal of science, 235-236. 

    [9] UNICEF. (2017, December 12). Làm cho thế giới công nghệ số an toàn hơn cho trẻ em – đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận trực tuyến nhằm mang lại lợi ích cho những em thiệt thòi nhất. From UNICEF Viet Nam - Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc.

    [10] UNICEF. (2020, May 11). Bảo đảm an toàn cho trẻ trên mạng, Chăm sóc con trong mùa dịch COVID-19. From UNICEF Viet Nam - Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc

    [11] UNICEF. (2021, May 19). Bảo vệ trẻ em trong bối cảnh COVID-19. From UNICEF Viet Nam - Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc: https://www.facebook.com/watch/?v=1348845078835605

    [12] Teekatas. Cartoon vector illustration of short haired mother wearing green and white stripe tshirt showing her daughter how laptop computer works, with concept of multimedia icon popup beside them. From Getty Images. 

    [13] UNICEF. (2021, Oct 10). UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. From What’s on your mind? How parents can start the mental health conversation with their kids #OnMyMind

    [14] Öngören, S. (2021). The Pandemic Period and the Parent-Child Relationship. International Journal of Contemporary Educational Research, 94-110. doi:10.33200/ijcer.800990

     

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên