Nhóm SV Phạm Hoàng Tính, Nguyễn Chính Nghĩa: Nhóm nghiên cứu y sinh học GMIF, Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM;
Nguyễn Thị Hồng Thắm: Phòng thí nghiệm Kỹ nghệ mô và Vật liệu Y sinh, Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.
__________
Tuy không sinh ra ở và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng sau thời gian gắn bó với nơi đây, chúng tôi đã trót yêu mảnh đất và con người ở nơi này. Chính vì thế, khi Sài Gòn cất tiếng gọi, chúng tôi sẵn sàng trả lời, quyết góp sức trẻ cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch COVID-19.
Đây là bài chia sẻ của chúng tôi về quá trình tham gia tình nguyện hỗ trợ chống dịch COVID-19. Thay vì cách chia sẻ đơn thuần, chúng tôi xin được trình bày dưới dạng câu hỏi - câu trả lời nhằm tạo nên sự sinh động cho bài viết. Đây là các câu hỏi mà chúng tôi thường gặp trong quá trình làm việc.
1. Lý do chúng tôi tham gia tình nguyện?
Chúng tôi và lực lượng tuyến đầu chống dịch làm tất cả chỉ vì một mong muốn duy nhất: “Sài Gòn chiến thắng đại dịch - Việt Nam chiến thắng đại dịch”. Đây là lần thứ tư mà Việt Nam phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh - chúng tôi vẫn quen gọi với cái tên “Sài Gòn” là một những địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất. Hàng trăm điểm phong tỏa, cách ly y tế được thiết lập trên toàn thành phố để kiểm soát sự lây lan. Nhiều ổ dịch mới xuất hiện và sự tăng nhanh của các ca F0, F1 gây ra áp lực rất lớn cho các lực lượng tuyến đầu. Với mong muốn chia sẻ các khó khăn mà đội ngũ chống dịch COVID-19 đang gánh chịu, chúng tôi đã không ngần ngại góp chút ít sức trẻ của mình để cùng với lực lượng tuyến đầu của thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, biện pháp tốt nhất để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình là ở nhà và tuân thủ nguyên tắc 5K. Tuy nhiên, trước sự thiếu hụt nhân sự ở các lực lượng tuyến đầu, chúng tôi đã quyết định hành động. Chúng tôi rời gia đình và ra nơi “tiền tuyến”, nơi mà các lực lượng tình nguyện, đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ đang ngày đêm làm việc; nơi mà mọi người phải gác lại chuyện riêng của họ, phải tạm xa gia đình, con cái; nơi các quy định và nguyên tắc an toàn được tuân thủ nghiêm ngặt; nơi mà chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy nụ cười của các chiến sĩ áo trắng đằng sau đôi mắt thông qua tấm kính chắn. Chúng tôi ra nơi “tiền tuyến” để góp sức trẻ của mình vào sức sống của thành phố, của đất nước, chúng tôi cùng nhau "chiến đấu" vì sự sum họp, đoàn tụ bên gia đình của lực lượng tuyến đầu, và vì một cuộc sống bình an của người dân.
2. Chúng tôi có bị sự phản đối từ người thân hay không?
Chúng tôi không chỉ bị sự phản đối từ người thân mà còn bị sự phản đối từ những người hàng xóm. Sự phản đối của họ cũng là vì lo lắng cho sức khỏe của chúng tôi, họ sợ chúng tôi bị nhiễm bệnh và sẽ trở thành nguồn lây vì tiếp xúc với rất nhiều người, thậm chí là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Điều quan trọng mà chúng tôi cần làm là tạo được niềm tin cho họ bằng những lời nói và hành động cụ thể. Chúng tôi nêu lên tầm quan trọng của lực lượng tình nguyện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như những nguyên tắc an toàn mà trong quá trình làm việc cần phải tuyệt đối tuân theo: đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chắn giọt bắn, bao tay, quy tắc 5K, v.v. Hầu hết tình nguyện viên và lực lượng tuyến đầu chống dịch đều được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn khi làm việc. Và cuối mỗi buổi làm việc, chúng tôi đều được lấy mẫu xét nghiệm để tránh những trường hợp không mong chờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hạn chế đi lại và tiếp xúc với mọi người xung quanh. Hiểu được tính chất quan trọng và nguyên tắc của công việc, mọi người sẽ dễ thông cảm hơn cho chúng tôi, từ đó tạo cho chúng tôi động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3. Chúng tôi có sợ không?
Trước và trong quá trình tham gia tình nguyện, chúng tôi đều có những nỗi sợ.
Trước khi tham gia tình nguyện, chúng tôi sợ mình không chịu được áp lực căng thẳng ở nơi tuyến đầu, sợ mình không thích ứng được với môi trường làm việc, sợ mình không hoàn thành tốt các công việc được giao và sợ mình bị nhiễm bệnh - đây có lẽ là nỗi sợ của bất kỳ ai. Mặc dù chúng tôi đã có kinh nghiệm đi tình nguyện ở nhiều nơi như tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện, phát quà cho các học sinh có điều kiện vật chất còn hạn chế, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, v.v nhưng tham gia tình nguyện chống dịch thật sự là một trải nghiệm rất mới. Do đó, chúng tôi đã có những lo lắng nhất định. Nhưng khi nhìn vào tình hình dịch bệnh của thành phố, chúng tôi quyết không để cho những nỗi sợ đó cản trở bước đi của mình. “Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ là người chống dịch? Ai sẽ cùng đội ngũ tuyến đầu, cùng người dân vượt qua những khó khăn?”. Chính vì thế, chúng tôi đã nói với nhau rằng mình hãy cứ làm đi, làm để không còn sợ, làm để mạnh mẽ hơn và làm để cống hiến hết mình. Và cứ thế, chúng tôi động viên nhau ra nơi tuyến đầu hỗ trợ.
Trong quá trình tham gia tình nguyện, những nỗi sợ trong chúng tôi không còn nữa, do gặp được những người bạn, người anh, người chị, người cô, người chú - họ phải gác lại chuyện riêng, tạm xa gia đình, con cái để ra nơi tiền tuyến. Những sự hy sinh thầm lặng của họ dường như trở thành một nguồn động lực to lớn để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Và chúng tôi hiểu rằng, tất cả mọi người đều có nỗi sợ, và chỉ có hành động mới giúp chúng ta vượt qua được nỗi sợ đó. Chúng ta cùng hành động về một niềm mong ước, một mục đích chung, đó là: “Sài Gòn chiến thắng đại dịch - Việt Nam chiến thắng đại dịch”.
4. Chúng tôi đã làm những công việc gì khi tham gia tình nguyện?
Dưới tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, có rất nhiều vị trí công việc khác nhau mà tình nguyện viên có thể làm để hỗ trợ phòng, chống dịch như trực chốt cách ly, trực chốt giao thông, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, tham gia đội hình phun khử khuẩn, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ các điểm tiêm chủng vaccine, và rất nhiều công việc khác. Các công việc có thể được phân chia theo ca, theo ngày hoặc theo tuần, v.v phụ thuộc vào bản chất của công việc. Tình nguyện viên khi đăng ký sẽ được sắp xếp công việc theo thời gian biểu của bản thân. Chính vì vậy, họ có thể dễ dàng cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Nhờ vậy, các tình nguyện viên luôn đảm bảo sức khỏe để cùng với lực lượng tuyến đầu, cùng thành phố vượt qua đại dịch.
Trong quá trình hỗ trợ thành phố chống dịch, chúng tôi đã tham gia vào hầu hết các đội hình khác nhau. Ở mỗi vị trí công việc, chúng tôi đều cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc an toàn để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh. Trong quá trình làm việc, chúng tôi có gặp phải những khó khăn, mệt mỏi nhưng rồi các cực nhọc ấy cũng qua đi khi được sự sẻ chia cùng bạn bè, anh/chị, cô/chú - những người mà chúng tôi gọi là “đồng đội”. Chúng tôi đều tìm được niềm vui cho riêng mình, vui vì được làm việc, vui vì được cống hiến, vui vì tất cả mọi người đều khỏe mạnh. Và chúng tôi sẽ vui hơn nữa nếu như một ngày đất nước và thành phố không còn phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh. Trong cuộc chiến này, mặc dù mỗi tình nguyện viên đảm nhận một công việc khác nhau nhưng tất cả đều cùng hướng đến một mục đích đó là: “Sài Gòn chiến thắng đại dịch - Đất nước chiến thắng đại dịch”.
5. Kỷ niệm mà chúng tôi nhớ nhất trong quá trình tham gia tình nguyện?
Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp trong quá trình tham gia tình nguyện, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi chúng tôi hỗ trợ ở điểm tiêm vaccine. Do tính chất cấp bách của công tác tiêm chủng và nguồn vaccine hạn chế, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng để có mặt tại nơi tiêm chủng nhằm chuẩn bị cho công tác hỗ trợ ngay sau khi có sự điều động. Công việc tuy có vất vả, nhưng mỗi khi nhìn thấy được “nụ cười sau đôi mắt” của các cô, các chú được chúng tôi hỗ trợ, chúng tôi lại động viên nhau để cố gắng hơn nữa. Chúng tôi ra khỏi nhà lúc tờ mờ sáng và khi trở về, mặt trời cũng đã lặn từ lâu. Biết bao những câu chuyện xảy ra trong ngày cứ làm cho chúng tôi nhớ mãi mỗi khi đêm về. Đáng nhớ nhất có lẽ là lúc một thành viên trong nhóm hỗ trợ cho các cô, chú lớn tuổi thuộc diện bảo trợ xã hội, những người không điện thoại, không người thân, đi lại khó khăn. Hôm ấy, có một bác lớn tuổi đến điểm tiêm chủng và đang chật vật lắm vì hồ sơ thì nhiều, bác cũng không biết phải điền sao cho đúng. Sau khi giúp bác hoàn thành hồ sơ và hướng dẫn bác ngồi vào ghế, bác cứ liên tục nói: “Cảm ơn con, cảm ơn con nha, bác già rồi giấy tờ nhiều như vậy cũng không rành, nghe phường báo đi tiêm thì cũng tuân thủ đi để bảo vệ mình và mọi người xung quanh, cảm ơn tụi con nhiều lắm nha!”. Những câu cảm ơn nhẹ nhàng thôi nhưng bỗng nhiên mình thấy ấm lòng quá, cũng thấy thương bác nhiều hơn. Câu nói của bác chính là động lực để tình nguyện viên chúng tôi quên đi những khó khăn, vất vả, để những “mệt mỏi chỉ còn là cảm giác”, để chúng tôi thêm sức mạnh để chung tay, góp sức cùng người dân vượt qua đại dịch COVID-19.
Đối với chúng tôi, không chỉ riêng ở địa điểm hỗ trợ tiêm chủng vaccine, mỗi ngày chúng tôi tham gia tình nguyện đều là những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ. Đẹp bởi vì “nụ cười trong đôi mắt của những chiến sĩ sau tấm kính chắn”, nụ cười của những cô/chú khi được chúng tôi giúp đỡ; đẹp còn là vì những tiếng cảm ơn thân thương từ người dân, những lời hỏi thăm tưởng chừng như đơn giản mà đủ làm chúng tôi ấm lòng: “Con ăn gì chưa?”, “Con uống miếng nước cho đỡ khát nè!”, “Con ráng giữ sức khỏe nhe!”, v.v. Đáng nhớ bởi vì chúng tôi - những thanh niên tình nguyện cũng đã góp được chút ít sức trẻ của mình cho quê hương, đất nước. Đáng nhớ vì chúng tôi luôn có những người bạn, người đồng đội san sẻ nhau mỗi khi gặp khó khăn. Có lẽ, những kỷ niệm ấy chúng tôi sẽ không bao giờ quên, và chúng tôi lấy đó làm động lực để bước tiếp, để chiến đấu vì một đất nước không còn dịch bệnh COVID-19.
6. Chúng tôi có lời nhắn gì cho mọi người cũng như cho các bạn tình nguyện viên khác hay không?
Sài Gòn thực sự đang “bệnh”, sự đoàn kết và ý thức ở mỗi người là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19. Các đội ngũ y, bác sĩ và các tình nguyện viên đang ngày đêm cố gắng hết mình để giúp Sài Gòn mau “khỏe” lại, để người dân được sớm quay lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, chúng tôi mong mọi người hãy cố gắng ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, ăn uống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, thực hiện tốt nguyên tắc 5K. Chúng ta cần tự nâng cao ý thức để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và bảo vệ cộng đồng. Bởi vì ở nhà tốt hơn ở trong bệnh viện và đeo khẩu trang dễ chịu hơn rất nhiều so với việc đeo máy thở.
Xin đừng tạo thêm áp lực lên những “chiến sĩ” áo trắng, họ đã phải rời xa gia đình để lao vào tâm dịch, sẽ đau đớn biết bao trong giây phút những con tim ngừng đập trên giường bệnh vì quá tải, người ra đi nhưng nỗi đau cho người ở lại còn lớn hơn nhiều lần. Chờ mong một ngày dịch bệnh qua đi, mình lại được lang thang khắp nẻo đường Sài Gòn, chúng ta lại cùng nhau dạo bước đến những nơi quen thuộc, ngồi nhâm nhi một ly cà phê đúng chất Sài Gòn và khẽ ngân nga: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Cùng nhau cố gắng nhé, triệu trái tim cùng hướng về mảnh đất yêu thương này! Chúng tôi ở nơi “tiền tuyến”, các bạn ở nơi “hậu phương”, chúng ta cùng hỗ trợ lẫn nhau để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Gửi các “đồng đội” đang chiến đấu nơi tuyến đầu, tuy chúng ta là những đứa con đến từ nhiều vùng đất khác nhau, nhưng giờ phút này, chúng ta đã có cùng một tình yêu, cùng chung một sứ mệnh. Chiến đấu hết mình để gìn giữ sự yên bình cho mảnh đất này, cùng nhau thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim” với một niềm tin Sài Gòn sẽ chiến thắng đại dịch - Đất nước sẽ chiến thắng đại dịch”. Và đừng quên phải giữ an toàn tuyệt đối cho chính các bạn. Vì ở phía sau, vẫn còn gia đình, những người thân yêu thương bạn nhất đang đợi các bạn; vẫn còn một Sài Gòn bình yên, khỏe mạnh cũng đang đợi các bạn.
Cố lên nhé, chiến thắng và an toàn trở về!
Cuối bài viết, chúng tôi xin chia sẻ đến các bạn một số hình ảnh của chúng tôi và các tình nguyện viên khác trong quá trình tham gia tình nguyện.
Hãy là người bình luận đầu tiên