Địa phương

ĐHQG-HCM đồng hành trong đào tạo chuyển đổi số cho địa phương

  • 27/12/2023
  • Chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành xu hướng tất yếu và là yêu cầu khách quan của quá trình phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra.

    Để thực hiện CĐS thành công, bên cạnh chiến lược đẩy mạnh công nghệ số hiệu quả, việc trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực để có thể vận hành hiệu quả các công nghệ số cũng là vấn đề cấp bách được nhiều địa phương và doanh nghiệp quan tâm.

    Trong những năm qua, ĐHQG-HCM đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đồng hành với các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và tư duy về CĐS cho cán bộ, công chức và viên chức.

    Lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số cho công chức, viên chức, người lao động tỉnh Bình Thuận 2023.

    Tầm quan trọng của CĐS hiện nay

    Một trong những lợi ích quan trọng của CĐS là tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất làm việc. Thông qua việc sử dụng công nghệ để tự động hóa các nhiệm vụ lặp lại, CĐS giúp làm giảm thời gian và tài nguyên, tăng cường mức độ chính xác và đồng nhất trong công việc. Đặc biệt, hệ thống quản lý thông tin và dữ liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ra quyết định, giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn toàn diện và chiến lược vững chắc.

    Trong lĩnh vực công, CĐS đã đóng góp vào việc tạo ra các dịch vụ công tiện ích và hiệu quả cho cộng đồng. Từ việc tạo lập các nền tảng trực tuyến để tra cứu thông tin đến việc triển khai các ứng dụng di động để tối ưu hóa giao tiếp giữa cơ quan và người dân, CĐS mang lại sự tiện lợi và minh bạch trong quá trình cung cấp dịch vụ công. Ngoài ra, CĐS cũng giúp nâng cao khả năng đáp ứng của tổ chức trước những thách thức và biến động thông qua việc sử dụng dữ liệu để dự đoán và phân tích xu hướng. Từ đó, tổ chức có cái nhìn sâu sắc hơn về môi trường làm việc và cộng đồng để đưa ra các chiến lược linh hoạt và phản ứng nhanh chóng.

    Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn đó, CĐS đặt ra không ít thách thức cho cách mỗi người tư duy và triển khai công việc. Lý do là việc chỉ dựa vào kiến thức truyền thống không còn đủ để đáp ứng những yêu cầu và thách thức mới.

    Thế mạnh của ĐHQG-HCM trong đào tạo CĐS

    Là hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG-HCM đang triển khai 139 ngành đào tạo trình độ đại học, 141 ngành trình độ thạc sĩ và 98 ngành trình độ tiến sĩ thuộc 19 lĩnh vực theo phân loại của Bộ GD&ĐT (tính đến quý 1/2023). Việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQG-HCM đã góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đa dạng của thị trường lao động cả nước.

    Không những thế, trong các ngành đào tạo đại học tại ĐHQG-HCM, những ngành liên quan CĐS chiếm tỷ lệ khá lớn (33 ngành, trên 20%). Đây là thành quả nhiều năm nỗ lực của ĐHQG-HCM trong việc cải cách công tác đào tạo theo xu hướng của CMCN 4.0. Tiếp nối thành tựu này, ĐHQG-HCM đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nhân lực số thông qua việc mở những ngành đào tạo mới (trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn) và hàng loạt đề án, dự án liên quan.

    ĐHQG-HCM còn có đội ngũ chuyên gia, giảng viên và các nhóm nghiên cứu hàng đầu trong những lĩnh vực liên quan CĐS. Điều này cho phép ĐHQG-HCM tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ, tạo ra các giải pháp mới và cung cấp kiến thức hiện đại cho đào tạo CĐS.

    Đồng thời, nhờ được trang bị kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện CĐS, các chuyên gia và giảng viên của ĐHQG-HCM luôn áp dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận mới, biên soạn tài liệu số, bài giảng tương tác... Qua đó, nâng cao hiệu quả bài giảng và lan tỏa sâu rộng kiến thức, kỹ năng đến từng người học, đặc biệt là nhóm đối tượng cán bộ, công chức và viên chức tại các địa phương.

    Lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng phó thách thức mới và chuyển đổi số cho công chức, viên chức, người lao động tỉnh An Giang năm 2023.

    ĐHQG-HCM đồng hành địa phương CĐS như thế nào?

    ĐHQG-HCM đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và đồng hành địa phương CĐS thông qua nhiều hoạt động khác nhau. ĐHQG-HCM đã liên kết với các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để tham gia các dự án CĐS, xây dựng đô thị thông minh. Các dự án này đa dạng, bao gồm việc tạo ra ứng dụng công nghệ thông tin mới, phát triển giải pháp số hóa cho các lĩnh vực và xây dựng cơ sở hạ tầng số hóa.

    ĐHQG-HCM cũng chú trọng triển khai các chương trình bồi dưỡng năng lực số cho những đối tượng khác nhau tại địa phương như cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, giáo viên, sinh viên, học sinh... Những chương trình này được thiết kế theo nhu cầu cụ thể của mỗi đối tượng, nhưng đều tập trung giúp người học đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về CĐS, cách thức xây dựng chiến lược và lộ trình CĐS trong tổ chức, phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới quy trình làm việc số…

    Với thế mạnh sẵn có, ĐHQG-HCM tự tin mang đến cho địa phương những mô hình, cách thức vận hành mới, hiệu quả để sớm triển khai và thực hiện thành công lộ trình CĐS. ĐHQG-HCM hợp tác các địa phương bằng những chương trình đào tạo, bồi dưỡng với nhiều cấp độ, mục tiêu và đối tượng như:

    Các khóa về nhận thức CĐS: CĐS trong đơn vị hành chính công; Tư duy đổi mới về lãnh đạo, điều hành trong bối cảnh CĐS; Lập kế hoạch và triển khai CĐS cho đơn vị hành chính công...

    Các khóa về kỹ năng số: Kiến thức, kỹ năng số hóa tài liệu tử; CĐS trong công tác văn thư, lưu trữ; Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính; CĐS và kỹ năng ứng phó với những thách thức mới của nền công vụ; Xây dựng quy trình làm việc số và phương thức triển khai nền tảng công nghệ số vào tổ chức, đơn vị...

    Các khóa về quản lý công nghệ số: Quản lý các nền tảng công nghệ cho CĐS; Kỹ năng khai thác các công nghệ số, dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số, xử lý thông tin số, giao dịch điện tử; Nghiệp vụ quản lý số; Chuyển đổi văn hóa số...

    Có thể nói CĐS không chỉ là xu hướng mà còn là cơ hội để địa phương phát triển bền vững, đảm bảo sự thịnh vượng cho tương lai. Và việc đồng hành đào tạo CĐS cho địa phương đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của ĐHQG-HCM đối với sự phát triển và tiến bộ của cộng đồng, khu vực.

    ILEAD

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên