Đề tài: Quá trình chuyển biến của tầng lớp quý tộc Gentry Anh từ đặc trưng phong kiến sang đặc trưng tư sản (thế kỉ XIII-XVII)
Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số: 9229011
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Trà My
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Ngọc Dung, TS Hà Bích Liên
Cơ sở đào tạo: trường Đại học Khoa học – Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
Nội dung trích yếu
1.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích chính của luận án là vạch ra được quá trình chuyển biến của tầng lớp quý tộc Gentry Anh từ một tầng lớp mang đặc trưng của giai cấp phong kiến sang đặc một tầng lớp mang trong mình những đặc trưng của giai cấp tư sản nhưng không biến chuyển hoàn toàn thành giai cấp tư sản.
1.2. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quá trình chuyển biến của tầng lớp quý tộc Gentry Anh từ đặc trưng phong kiến sang đặc trung tư sản.
Thời gian nghiên cứu: Từ thế kỉ XIII-XVII
1.3. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở phương pháp luận của luận án là dựa trên những nguyên lý về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để tiếp cận, giải thích các vấn đề luận án đặt ra. Trong đó, học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội là lý luận trọng tâm.
Luận án chủ yếu sử dụng hai phương pháp nghiên cứu sau: phương pháp lịch sử, phương pháp logic. Các phương pháp nghiên cứu liên ngành: luận án kết hợp sử dụng một số thành tựu và nội dung nghiên cứu của các ngành khoa học khác như: chính trị học, kinh tế học, xã hội học, văn hóa học…
1.4. Kết quả chính và kết luận
- Là công trình nghiên cứu đầu tiên, khá hệ thống về tầng lớp Gentry ở Việt Nam.
- Xác định được tên gọi, nguồn gốc, xuất thân, sự hình thành của tầng lớp quý tộc Gentry:
+ Tên gọi Gentry có nguồn gốc từ thuật ngữ "Gentle", chỉ một tầng lớp hào hoa phong nhã, lịch thiệp trong xã hội Anh lúc bấy giờ. Tên gọi này xuất hiện sau khi bộ phận đại quý tộc tự gọi họ là Peer – quý tộc khanh tướng, với việc thừa kế các tước vị và chỗ ngồi trong Thượng viện. Các tầng lớp trung và tiểu quý tộc cũng tự xác định mình thuộc hàng ngũ cấp cao trong thang đẳng cấp xã hội với tên gọi Gentry. Quá trình xác lập tên gọi và những đặc trưng phong kiến của tầng lớp này gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Nghị viện Anh. Ở Việt Nam, tên gọi Gentry thường được dịch là quý tộc mới, quý tộc tư sản hóa. Các cách dịch này có những căn cứ nhất định nhưng chưa thể giải quyết trọn vẹn về mặt ngữ nghĩa và bản chất tầng lớp Gentry. Nhiều Gentry xuất thân ban đầu là các quý tộc nên họ không phải là quý tộc mới. Nếu muốn hàm nghĩa là tầng lớp quý tộc có những hoạt động kinh doanh sản xuất tư bản chủ nghĩa cần tìm một thuật ngữ rõ hơn là quý tộc mới. Xét các bộ phận trong tầng lớp Gentry thì thuật ngữ quý tộc mới hợp lý hơn với Baronet hoặc Gentleman vì đây là hai bộ phận có xuất thân không phải từ quý tộc mà từ các thương nhân, luật sư, nông dân giàu có, tiến hành mua đất đai gia nhập vào hàng ngũ Gentry. Về cách dịch quý tộc tư sản hóa, cách dịch này hiện nay cũng chưa thể bao hàm trọn vẹn hết tầng lớp Gentry vì trong thời kì đầu mới định hình, ở Gentry chưa có sự tư sản hóa mà phải trải qua một quá trình với sự tác động của các điều kiện lịch sử, chỉ một bộ phận tầng lớp này chứ không phải là tất cả, mới có sự tư sản hóa để tham gia lãnh đạo cách mạng tư sản Anh cùng tư sản. Một bộ phận khác của tầng lớp này, phần lớn các Gentry Công giáo đã đứng về phía nhà vua và đối đầu liên minh Nghị viện trong cách mạng. Như vậy, tác giả đề xuất nên giữ tên gọi Gentry trong các nghiên cứu để đảm bảo đầy đủ nhất tên gọi của tầng lớp này vì có rất nhiều từ ngữ khi được dịch ra nó không thể đảm bảo được trọn vẹn ý nghĩa ban đầu. Và lực lượng Gentry chuyển mình là lực lượng Gentry tư sản hóa để xác định cụ thể hơn tầng lớp quý tộc có sự tư sản hóa, không phải là tất cả giai cấp quý tộc.
+ Gentry là một bộ phận của quý tộc Anh: tầng lớp này được phân loại vào nhóm những quý tộc vừa và nhỏ (lesser nobility); tầng lớp này được định hình sớm nhất vào cuối thế kỉ XIII nhưng có nguồn gốc từ thế kỷ XI với sự xâm chiếm đảo Anh của người Normans. Gentry có xuất thân khá đa dạng như: hiệp sĩ, cảnh sát trưởng sheriff, các quan lại trong bộ máy nhà nước... từ xã hội phong kiến Norman ở Anh. Trải qua thời gian, Gentry có sự phân hóa thành 4 nhánh chính sau: thứ nhất, những người có tước hiệu Baronet, họ là quý tộc được vua ban tước hiệu Baronet, xếp trên hiệp sĩ nhưng tước hiệu này không được truyền thừa và các vua thời Stuart thường bán tước hiệu này cho các thương nhân giàu có; thứ hai, những hiệp sĩ không phải là quý tộc khanh tướng (Merely Knight), đây là lực lượng nòng cốt trong tầng lớp Gentry, có dòng dõi lâu đời; thứ ba, những người hầu cận hiệp sĩ, tiền hiệp sĩ hoặc tham gia các chức vụ ở địa phương và có tổ tiên lâu đời là hiệp sĩ (Esquire); thứ tư là các quý ông (Gentlemen), bao gồm những thương nhân, chủ xưởng thuộc các thị dân giàu có đã bỏ tiền ra mua đất để trở thành các chủ đất có tiếng nói ở địa phương hay những nông dân giàu có (Yeoman) đã tích lũy được nhiều đất đai để bước chân vào tầng lớp Gentry. Tuy nhiên, bộ phận quý ông (Gentlemen) này xếp sau tất cả vì vấn đề dòng dõi.
- Xác định được những nguyên do nào đã đưa đến sự chuyển biến của quý tộc Gentry Anh từ một tầng lớp mang đặc trưng phong kiến sang đặc trưng tư sản (từ thế kỷ XIII–XVII): xuất thân quý tộc vừa và nhỏ, không có quyền lợi nhiều và chặt chẽ như đại quý tộc nên họ phải tiến hành nhiều hoạt động kinh tế để có thể làm giàu, họ cũng gần gũi với tầng lớp thương nhân, chủ xưởng – giai cấp tư sản sau này; hai là, sự linh hoạt trong nội bộ tầng lớp này với nhiều thành phần và họ có thể tận dụng được sự ưu ái của cả vua và các đại quý tộc để có thể tích lũy được thế và lực về sau; ba là, sự tác động của bối cảnh lịch sử trong nước nói riêng và ngoài nước nói chung, các chính sách của các triều đại…
- Trình bày được quá trình chuyển biến của tầng lớp quý tộc Gentry Anh từ thế kỷ XIII–XVII: là một quá trình dài trong đó nổi bật ở sự thay đổi về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Họ vẫn là tầng lớp sở hữu đất đai nhưng đã chuyển từ bóc lột địa tô sang bóc lột giá trị thặng dư của người lao động. Đây chính là đặc trưng của giai cấp tư sản. Quá trình chuyển biến không diễn ra đồng bộ ở tất cả thành phần Gentry: Hai thành phần hiệp sĩ và tòng nam tước có sự chuyển biết ít hơn do gắn chặt quyền lợi với nhà vua; trong khi đó, các cận vệ và quý ông là hai bộ phận có sự tư sản hóa mạnh mẽ trong tầng lớp Gentry.
- Xác định được những tác động của quá trình chuyển biến cũng như vai trò của Gentry Anh đối với lịch sử nước Anh: lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, đưa nước Anh trở thành đất nước tư bản chủ nghĩa với chính thể quân chủ lập hiến.
Luận án cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo rộng rãi cho những ai quan tâm đến nội dung đề tài đề cập đến, đặc biệt là cho các thầy cô giáo đang giảng dạy những nôi dung có liên quan đến lịch sử nước Anh.
Hãy là người bình luận đầu tiên