Khoa học công nghệ

Sinh viên UIT có nhiều bài báo khoa học về công nghệ tiên tiến trong truyền thông

  • 12/09/2021
  • Đó là các nghiên cứu về kết hợp các công nghệ định vị, thiết bị tự động nhận diện chỉ số nước, thiết kế vi mạch ứng dụng trong sóng radio… đã được Hội nghị Quốc tế về các Công nghệ tiên tiến trong Truyền thông (ATC) 2021 chấp nhận đăng tải.

    Bùi Phùng Hữu Đức – Sinh viên khoa Kỹ thuật máy tính, tác giả chính của bài báo “Integrated Multi-standard system based on LR1110 for geolocation applications” - cho biết, định vị được chia thành hai mảng chính là trong nhà và ngoài trời.  Định vị ngoài trời GPS thường có nhược điểm là hiệu suất sẽ kém ở những nơi có nhiều vật thể che chắn. Trong khi đó, định vị trong nhà có thể hoạt động trong những vùng chứa nhiều vật cản như: UWB, BLE, WiFi…

    “Nghiên cứu của nhóm hướng đến việc kết hợp các công nghệ định vị trong nhà và ngoài trời trên một thiết bị đảm bảo hoạt động đa môi trường với mức năng lượng tiêu thụ thấp, thời gian sử dụng bằng pin lên đến 2 năm. Đồng thời việc lựa chọn các antenna thích hợp với từng công nghệ định vị cũng được triển khai nghiên cứu” - Hữu Đức chia sẻ.

    Đức cho biết thêm, antenna vừa đảm bảo hoạt động đúng thông số kỹ thuật đề ra vừa có kích thước phù hợp ứng dụng định vị của hệ thống. Ngoài ra dữ liệu sẽ được truyền tải về server bằng công nghệ truyền thông tầm xa LoRa để dễ dàng quản lý và phát triển các ứng dụng có liên quan.

    Theo Trần Minh Khương - Sinh viên khoa Kỹ thuật máy tính, tác giả chính của bài báo “Design of Varactor-Loaded Transmission-Line Phase Shifter with Integrated Single-Stage LNA in 0.18 µm RF CMOS technology”, Beamforming là một kỹ thuật giúp hình thành búp sóng radio có cường độ tập trung lớn cùng với khả năng định hướng búp sóng đến một vị trí cụ thể.

    Do đó, Beamforming là kỹ thuật vô cùng hữu ích để hỗ trợ cho các ứng dụng định vị trong nhà, nơi có nhiều vật thể chắn và yếu tố non-line-of-sight (NLOS). Đồng thời, vi mạch Phase Shifter chính là thành phần cốt lõi nhờ vào khả năng dịch pha tín hiệu để truyền đến bộ phận antenna và giúp hình thành búp sóng Beamforming.

    “Để đạt khả năng hoạt động tốt nhất, một thiết kế vi mạch Phase Shifter phải đáp ứng những đặc tính sau đây: khoảng dịch pha rộng và liên tục, độ lợi cao, hệ số nhiễu thấp, và quan trọng nhất là mức độ dao động độ lợi phải thấp nhằm tối ưu hiệu quả của Beamforming. Nắm bắt được những kiến thức này, nhóm nghiên cứu chúng em đã thiết kế một vi mạch Varactor-Loaded Transmission Line Phase Shifter tích hợp với cấu trúc Single-stage LNA trên công nghệ 0.18 µm RF CMOS, hoạt động tại băng tần 2.4 - 2.48 GHz” - Minh Khương nói.

    Là tác giả duy nhất của bài báo “Research and Implement Embedded Artificial Intelligence in Low-Power Water Meter Reading Device”, Nguyễn Đức Hoan - Sinh viên khoa Kỹ thuật máy tính - đánh giá, hiện nay việc thu thập chỉ số nước vẫn còn thực hiện một cách thô sơ và chưa được tự động hóa hay kết nối với hạ tầng IoT.

    Do đó tác giả đề xuất ra ý tưởng kết nối toàn bộ đồng hồ nước hiện nay của Việt Nam lại với nhau bằng dự án chế tạo thiết bị tự động nhận diện chỉ số nước không xâm lấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu được tự động thu thập trong một khu vực bán kính hàng ki-lô-mét thông qua hạ tầng IoT sử dụng giao thức LoRaWAN. Thiết bị có chi phí chế tạo và mức tiêu thụ năng lượng thấp, giúp hoạt động lâu dài trong nhiều thập kỷ.

    Hội nghị ATC 2021 là chuỗi hội thảo khoa học quốc tế được diễn ra hằng năm do Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) và Hiệp hội Truyền thông IEEE (IEEE ComSoc) tổ chức. Hội nghị nhằm khuyến khích, nuôi dưỡng sự trao đổi về mặt khoa học và công nghệ giữa những kĩ sư, nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đồng thời tập hợp những đóng góp nghiên cứu chất lượng cao thuộc các lĩnh vực: điện tử, truyền thông và các chủ đề liên quan.

    Một số hình ảnh về các nhóm tác giả trên được Trường ĐH Công nghệ thông tin vinh danh:

    PHAN ANH

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên