Tên đề tài: Tình hình song ngữ Việt – Cơ Ho (nghiên cứu trường hợp tỉnh Lâm Đồng)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9229020
Họ và tên nghiên cứu sinh: Vũ Văn Toán
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Bùi Khánh Thế; TS. Đinh Lư Giang
Tên cơ sở đào tạo: Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG-TP.HCM.
+ Tóm tắt nội dung luận án
Đề tài “Tình hình song ngữ Việt- Cơ Ho” (nghiên cứu trường hợp tỉnh Lâm Đồng) nhằm mục đích khảo sát tình hình sử dụng ngôn ngữ hiện nay của người Cơ Ho (gồm tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ), qua việc khảo sát trình độ ngôn ngữ tự đánh giá và khảo sát các kỹ năng nghe-nói- đọc-viết tiếng Cơ Ho và tiếng Việt; đề tài đồng thời tìm hiểu thái độ ngôn ngữ và mô tả tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Cơ Ho trong các lĩnh vực, trong một số tình huống giao tiếp phổ biến và đối với các đối tượng giao tiếp khác nhau. Chúng tôi cũng mô tả quá trình thụ đắc ngôn ngữ của học sinh Cơ Ho, qua xem xét, đánh giá ở các môi trường khác nhau; qua việc kết hợp với việc điền dã, phỏng vấn học sinh và phụ huynh tại các địa bàn nghiên cứu từ đó đánh giá sơ bộ những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thụ đắc ngôn ngữ của HS Cơ Ho. Việc khảo sát tình hình sử dụng ngôn ngữ dựa trên kết quả khảo sát 300 đối tượng thuộc 3 địa bàn khác nhau, cùng với kết quả phỏng vấn sâu và quan sát tham dự, nghiên cứu quá trình thụ đắc ngôn ngữ của HS cơ ho dựa trên nghiên cứu 15 trường hợp học sinh, mỗi xã chọn 01 trường học và khảo sát 5 HS, cùng với phỏng vấn và phân tích các tư liệu.
Các chương của luận án được trình bày theo trình tự từ cơ sở lý thuyết và các vấn đề thực tiển có liên quan (Chương 1); Năng lực ngôn ngữ của người Cơ Ho (Chương 2); Thái độ và tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Cơ Ho (Chương 3); sự thụ đắc ngôn ngữ của học sinh Cơ Ho (Chương 4).
+ Những kết quả của luận án
Kết quả của nghiên cứu đạt được như sau:
Thứ nhất, Luận án xác định được thái độ của người Cơ Ho đối với tiếng Việt, và tiếng Cơ Ho; tình hình sử dụng các ngôn ngữ của người Cơ Ho ở các môi trường khác nhau, trong đó khẳng định tầm quan trọng của cả hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Cơ Ho. Người Cơ Ho sử dụng tiếng mẹ đẻ trong gia đình, cộng đồng cùng dân tộc Cơ Ho là chủ yếu, tiếng Việt được dùng để giao tiếp với người Kinh, người khác dân tộc. Tiếng Việt dần khẳng định vị thế vô cùng quan trọng là ngôn ngữ giao tiếp chung trong cộng đồng các dân tộc ở Lâm Đồng, là công cụ góp phần thúc đẩy sự phát triển về văn hóa và đời sống ở vùng có người Cơ Ho sinh sống. Với vị thế là ngôn ngữ quốc gia, tiếng Việt được yêu mến, được học, được sử dụng như là một ngôn ngữ giao tiếp chung của người Cơ Ho và người các dân tộc khác. Người Cơ Ho học tiếng Việt ở Lâm Đồng một cách tự giác vì tiếng Việt thực sự cần thiết cho đời sống của họ, biết tiếng Việt họ mới có thể làm ăn, buôn bán và học tập, công tác.
Thứ hai, luận án đã xác định được năng lực tiếng Việt và tiếng Cơ Ho của người Cơ Ho tại Lâm Đồng. Về năng lực tiếng Việt của người Cơ Ho, đa số người Cơ Ho có thể giao tiếp bằng tiếng Việt từ mức độ trung bình trở lên, đối với kỹ năng đọc-viết thì tương đối hạn chế. Những người có trình độ từ bậc THCS đến THPT nghỉ học đã lâu thì kỹ năng đọc-viết cũng hạn chế một phần do họ không thường xuyên tiếp xúc với việc đọc và viết tiếng Việt, họ chỉ viết được những câu đơn giản dạng liệt kê là chủ yếu; Những người làm việc tại các cơ quan nhà nước, học sinh, sinh viên do thường xuyên tiếp xúc với việc đọc-viết tiếng Việt, kỹ năng đọc-viết tiếng Việt có phần tốt hơn. Năng lực nghe-nói tiếng Cơ Ho của người Cơ Ho rất tốt và hầu như không gặp khó khăn gì. Về kỹ năng đọc-viết tiếng Cơ Ho thì chỉ có một số rất ít những người được học chữ Cơ Ho mới có khả năng đọc viết chữ Cơ ho, nhưng cũng chỉ là đối với những câu đơn giản. Vậy, có thể khẳng định rằng, kỹ năng đọc viết tiếng Cơ Ho của người Cơ Ho là rất thấp.
Thứ ba, qua việc nghiên cứu các trường hợp điển hình, luận án đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến việc thụ đắc ngôn ngữ của HS Cơ Ho. Việc thụ đắc tiếng mẹ đẻ của HS Cơ Ho diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên và chủ động. Tiếng Cơ Ho được trẻ em Cơ Ho sử dụng với tư cách là ngôn ngữ mẹ đẻ nên các em rất thành thạo ở kỹ năng nghe-nói, đối với kỹ năng đọc viết, chỉ một số ít HS ở bậc học THCS trở lên, theo đạo Công giáo và có đi nhà thờ thì các em mới đọc và viết được chữ Cơ Ho. Việc thụ đắc tiếng Việt vừa mang tính tự phát vừa mang tính bắt buộc, HS chỉ bắt đầu được học, được giao tiếp bằng tiếng Việt khi các em ở bậc học mầm non và với tư cách là ngôn ngữ thứ hai. Môi trường thụ đắc tiếng Việt cũng vô cùng hạn hẹp, hầu như chỉ gói gọn trong thời gian ở trường, tiếp xúc với giáo viên và bạn học người Kinh, còn phần lớn thời gian các em sử dụng tiếng Cơ Ho. Vì vậy, có thể nói, đối với HS Cơ Ho việc thụ đắc tiếng Cơ Ho thuận lợi hơn thụ đắc tiếng Việt rất nhiều.
Thứ tư, xác định vị trí của tiếng Việt sẽ giúp cho các địa phương có đông người DTTS như tỉnh Lâm Đồng kiến nghị với Chính phủ đề ra các chính sách giáo dục, định hướng xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy dành riêng cho vùng DTTS. Ngoài ra, luận án cũng lưu ý đến việc đưa chữ Cơ Ho vào giảng dạy trong các trường từ bậc học TH trở lên là việc làm cần thiết, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cơ Ho ở Lâm Đồng.
Thứ năm, kết quả nghiên cứu chứng minh cảnh huống song ngữ Việt- Cơ Ho ở Lâm Đồng rất khác với các cảnh huống ngôn ngữ ở các địa phương khác. Trong mấy chục năm qua, sự cộng cư giữa người Cơ Ho cùng người Kinh và các dân tộc khác ở Lâm Đồng đã tạo nên cảnh huống ngôn ngữ đa dạng như hiện nay, đó là trạng thái song ngữ tồn tại ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong cảnh huống đó có sự phân định rõ ràng chức năng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc thông qua mục đích giao tiếp và môi trường giao tiếp là hoàn toàn phù hợp và thuận với lẽ tự nhiên.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vẫn đề còn bỏ ngõ cần tiếp tục nghiên cứu
Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên ở khu vực Nam Tây Nguyên về tình hình song ngữ giữa tiếng Cơ Ho và tiếng Việt và sự thụ đắc ngôn ngữ của học sinh DTTS. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần vào việc kiểm chứng các lý thuyết về song ngữ và ngôn ngữ học xã hội liên quan như cảnh huống ngôn ngữ, năng lực ngôn ngữ, vấn đề giao tiếp trong xã hội song ngữ, sự phân bố chức năng giữa các ngôn ngữ trong một cộng đồng đa dân tộc; sự thụ đắc tiếng Cơ Ho và tiếng Việt của trẻ em Cơ Ho. Nghiên cứu của chúng tôi cũng góp phần làm sáng tỏ các đặc điểm của song ngữ, góp phần cho nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ DTTS và tiếng Việt ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu có thể giúp chính quyền các cấp trong tỉnh Lâm Đồng có hiểu rõ hơn về tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Cơ Ho, những khó khăn mà người Cơ Ho gặp phải khi sử dụng tiếng Việt và tiếng Cơ Ho. Việc thụ đắc ngôn ngữ của học sinh Cơ Ho có những thuận lợi và khó khăn gì, phụ thuộc vào các yếu tố nào? giải pháp tác động tích cực vào quá trình thụ đắc ngôn ngữ của học sinh Cơ Ho như thế nào? Trên cơ sở đó, đề ra chính sách ngôn ngữ và giáo dục ngôn ngữ cho phù hợp với địa phương.
Vấn đề luận án còn bỏ ngỏ, đó là chưa nghiên cứu để xây dựng bộ thang đo nhắm đánh giá năng lực ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Cơ Ho qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết một cách hệ thống và toàn diện. Đây cũng là định hướng nghiên cứu trong tương lai mà người nghiên cứu cần tiếp tục tìm hiểu.
Hãy là người bình luận đầu tiên