Khoa học công nghệ

ĐHQG-HCM triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL

  • 25/05/2023
  • Ngày 23/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 991/QĐ-BKHCN về việc thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn đến năm 2030”. Theo đó, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM và ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường được cử làm đồng chủ nhiệm Chương trình.

    Đây là giai đoạn 2 của Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2014-2020. Chương trình tập trung triển khai các nội dung quan trọng, phục vụ hiệu quả cho Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Chương trình thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 2 hợp phần chính: (1) Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, (2) Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    Để triển khai hiệu quả Chương trình này, ĐHQG-HCM đã và đang thiết lập các nền tảng quan trọng, tạo thuận lợi trong việc triển khai Chương trình, từ đó góp phần phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, năm 2022, ĐHQG-HCM thành lập Viện Biến đổi khí hậu trực thuộc Trường ĐH An Giang nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng những vấn đề bức xúc về khí hậu, môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Ngoài ra, Trường ĐH An Giang đang triển khai 2 dự án quốc tế liên quan trực tiếp việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn: Dự án Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐHQG-HCM (kinh phí ~9,09 triệu USD do KOICA, Hàn Quốc tài trợ); Dự án Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo (SRP) nông hộ nhỏ bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (kinh phí ~4,3 triệu AUD do Chính phủ Úc tài trợ).

    Dự kiến thời gian tới, ĐHQG-HCM sẽ làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương, doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu để có căn cứ xây dựng và triển khai các nhiệm vụ gắn với nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    Hội nghị tổng kết chương trình KH&CN phục vụ phát triển vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2014-2020 do ĐHQG-HCM phối hợp Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức năm 2021. Ảnh: Tư liệu

    NAM ANH

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên