Phẩm chất và năng lực sinh viên tốt nghiệp

Khái niệm chuẩn đầu ra

  • 13/12/2022
  • Đối với nhiều quốc gia, thuật ngữ chuẩn đầu ra (CĐR) đã và đang được sử dụng rộng rãi và là một thành phần bắt buộc phải có của các chương trình đào tạo (CTĐT).

    Phần lớn các nhà nghiên cứu đều có cách nhìn nhận chung về CĐR như sau: “Chuẩn đầu ra là các tuyên bố về những gì người học được mong đợi sẽ đạt được khi kết thúc trải nghiệm học tập”. Như vậy, CĐR CTĐT có thể được xem như là những cam kết, khẳng định của cơ sở giáo dục (CSGD) về những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà người học đạt được tại thời điểm tốt nghiệp.

    Tại Việt Nam, để thực hiện Chỉ thị số 7823/CT-BGDĐT ngày 27/10/2009 về 12 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã đưa ra hướng dẫn xây dựng và công bố CĐR (văn bản số 2196/BGDĐT-GDĐH). Trong đó, khái niệm về CĐR được Bộ GD&ĐT đề cập: “Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo”. Theo hướng dẫn này, CĐR cần bao gồm các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ, vị trí việc làm và khả năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp. Sau đó, khái niệm CĐR cũng được đề cập đến trong nhiều văn bản quy định với một số khác biệt như sau:

    Theo Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học (GDĐH) và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành CTĐT trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, “chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện”.

    Trong Quyết định phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam năm 2016, CĐR các CTĐT được quy định bao gồm các yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm mà người học phải có khi hoàn thành CTĐT tương ứng với bậc trình độ theo quy định. Như vậy, theo Quyết định này đã có sự thay đổi trong yêu cầu cụ thể đối với phát biểu CĐR CTĐT, cụ thể, cụm từ “mức tự chủ và trách nhiệm” được sử dụng thay cho “thái độ” như trong các phát biểu về CĐR trước đây.

    Tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, người soạn thảo đề xuất khái niệm CĐR như sau:“Chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở giáo dục cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện”.

    Ngoài ra, theo Điều 2, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT các trình độ của GDĐH [7], chuẩn đầu ra của CTĐT được giải thích như sau:“Chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp”. Như vậy, trong Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, các từ khoá “phẩm chất” và “năng lực” của người học tốt nghiệp đã được đề cập.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên