Năng lực cốt lõi sinh viên tốt nghiệp ĐHQG-HCM theo lĩnh vực đào tạo hay nhóm ngành (gọi tắt là năng lực cốt lõi lĩnh vực đào tạo) là danh mục các chủ đề được lựa chọn từ danh mục năng lực tham chiếu cốt lõi để xây dựng chuẩn đầu ra cho lĩnh vực đào tạo xác định.
Năng lực cốt lõi lĩnh vực đào tạo là danh mục các chủ đề được lựa chọn từ danh mục năng lực tham chiếu cốt lõi theo các yêu cầu tham chiếu, để xây dựng chuẩn đầu ra cho lĩnh vực đào tạo, được xác định theo nguyên tắc:
a) Các chủ đề được lựa chọn để xây dựng chuẩn đầu ra, do đó phải chi tiết đến cấp độ 4.
b) Mô tả yêu cầu tham chiếu thường tương đương với mức độ chi tiết cấp độ 2/ cấp độ 3 của danh mục năng lực tham chiếu cốt lõi, do đó các chủ đề được lựa chọn tuần tự từ cấp độ 3 đến cấp độ 4.
c) Danh mục năng lực tham chiếu cốt lõi hệ thống hóa các chủ đề cấp độ 4 từ căn bản đến nâng cao để phát triển kỹ năng cho người học, do đó các chủ đề được lựa chọn phải phù hợp với mức độ năng lực theo thang phân loại học tập xác định và phải đầy đủ để thiết kế tiến trình giảng dạy kỹ năng qua các học phần của chương trình dạy học.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, ĐHQG-HCM thí điểm xây dựng các bộ năng lực cốt lõi sinh viên tốt nghiệp ĐHQG-HCM theo 11 lĩnh vực đào tạo: (1) Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; (2) Kinh doanh và quản lý; (3) Pháp luật; (4) Máy tính và công nghệ thông tin; (5) Công nghệ kỹ thuật; (6) Kỹ thuật; (7) Sức khỏe; (8) Khoa học xã hội và hành vi; (9) Báo chí và thông tin; (10) Khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân; (11) Môi trường và bảo vệ môi trường.
Hãy là người bình luận đầu tiên