Y học

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe tâm thần ở trẻ em và gia đình

  • 05/09/2021
  • Ngô Thị Lụa, giảng viên Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM
    Phạm Hồng Anh, Lê Thị Mai Thảo, sinh viên Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM
    ---------

    Đại dịch thế kỷ, COVID-19, đã và đang diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới, đặc biệt đợt bùng dịch này với biến chủng Delta, tốc độ lây nhiễm mạnh, nhiều ổ dịch xuất hiện không rõ nguồn gốc,... gây ra nhiều hệ lụy lớn về mọi mặt cho toàn nhân loại trong thời gian dịch bệnh và thậm chí sau khi kết thúc. Khủng hoảng tâm lý, tinh thần đang là một trong những vấn đề được báo động bởi sự thay đổi liên tục của COVID-19 gây ra, ví dụ như cảm giác lo lắng, sợ hãi, chán nản,... Theo nhóm nghiên cứu của Jianbo Lai tại Trung Quốc (Lai và cộng sự, 2020), cho thấy rằng 53.8% người tham gia khảo sát trải qua các vấn đề tâm lý, 16.5% có các triệu chứng của trầm cảm, 28.8% người rơi vào tình trạng lo âu và 8.1% là tình trạng stress. Với một cuộc khảo sát khác ở lứa tuổi trẻ vị thành niên tại Trung Quốc (Wu và cộng sự, 2021), Leilei Liang cùng nhóm đã báo cáo rằng có khoảng 40.4% trong số 584 trẻ được kiểm tra, gặp các vấn đề về tâm lý và đến 14.4% bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). 

    Sợ hãi, lo lắng và căng thẳng là những phản ứng bình thường trước các mối đe dọa mà chúng ta nhận thức được, hoặc đối mặt với những sự việc chưa chắc chắn hay không rõ ràng. Vì vậy, việc mọi người trải qua nỗi sợ hãi trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, nỗi sợ nhiễm Sars-CoV-2 là những thay đổi đáng kể đối với cuộc sống hàng ngày khi các hoạt động của chúng ta bị hạn chế nhằm hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của virus. Đối mặt với những thực tế mới của việc làm việc tại nhà, tình trạng thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online ở nhà và tiếp xúc quá nhiều với các thành viên trong gia đình, cũng như thiếu tiếp xúc với các mối quan hệ bên ngoài như bạn bè và đồng nghiệp, điều đáng quan tâm nhất là chúng ta phải chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần của chính mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chính vì vậy, việc hiểu rõ được các yếu tố đang âm thầm ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của chúng ta là điều vô cùng cần thiết để giúp mỗi cá nhân vượt qua giai đoạn khủng hoảng này với tinh thần thật khoẻ mạnh. 

     

    Ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khoẻ tâm thần

    Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Westrupp và cộng sự ở Úc, các nhân tố gây căng thẳng có liên quan đến COVID-19 đến từ tâm lý (như cảm nhận từ đại dịch), nhân tố môi trường (mất việc, thay đổi nhân viên, bệnh, thiếu nguồn cung thực phẩm, hoặc tài chính) hay mức độ cập nhật tin tức từ nhiều nguồn thông tin truyền thông và việc cân bằng giữa chăm sóc con cái và vật lộn với công việc. Tất cả các yếu tố này đa phần có mối liên hệ với việc tăng căng thẳng, lo âu đến bố mẹ và con cái, hay bố mẹ thay đổi cảm xúc, cáu kỉnh nhiều hơn với con. Bên cạnh đó, cố gắng cân bằng giữa công việc và việc nhà còn có mối liên hệ với các thói quen như hút thuốc lá, tăng xung đột giữa bố mẹ vì tiếp xúc với nhau quá nhiều và tăng các biểu hiện tiêu cực trong gia đình (Westrupp et al., 2020).

    Một nghiên cứu khác tại các bang Pennsylvania cũng như Delaware và Texas của Emily Hotez và cộng sự, công bố vào tháng 4/2021, cho thấy bố mẹ có nguy cơ tăng trầm cảm gấp 2,4 lần (95% CI: 1,70–3,40) khi so sánh mức độ trong với trước đại dịch. Các kết quả trong nghiên cứu này còn chỉ ra rằng các bậc cha mẹ có thu nhập trung bình có chất lượng nuôi dạy con cái giảm sút đáng kể hơn bố mẹ có thu nhập thấp hơn và cao hơn. Với những đối tượng trầm cảm có trình độ từ trung học phổ thông trở xuống và thường xuyên có xung đột trong việc nuôi dạy con cái, trước khi dịch bệnh xảy ra, mức độ trầm cảm có thể đã được hạn chế. Tuy nhiên, khi đại dịch bắt đầu, mức độ trầm cảm của họ tăng lên. Trong cùng nghiên cứu này, các vấn đề về hành vi trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng được đề cập. Về phạm vi lâm sàng, các vấn đề hành vi bên trong ở trẻ em tăng gấp 2,5 lần và các vấn đề hành vi bên ngoài tăng gấp 4 lần, so với mức trước đại dịch (Feinberg et al., 2021). Trong đó, các vấn đề hành vi bên ngoài bao gồm hành động thái quá hoặc hiếu động thái quá và vấn đề hành vi bên trong gồm lo lắng, sợ hãi hoặc các triệu chứng tâm thần (Stein & Newcomb, 1994).

    Bên cạnh những ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần và cảm xúc, COVID-19 cũng đang thay đổi hoạt động thể chất và lối sống thụ động của trẻ em. Ở Canada, hầu như trẻ em xem tivi nhiều hơn (58,8%), chơi game hoặc sử dụng máy tính (54,4%) và các thiết bị khác như điện thoại, tablet (chiếm tới 75,9%) (McCormack và cộng sự, 2020).

     

    Trong một cuộc nghiên cứu ở Anh, phỏng vấn 20 bố mẹ có con 3-4 tuổi, họ nhận thấy rằng bố mẹ phải đối mặt với vấn đề giải thích về virus đó là gì, con đường lây nhiễm như thế nào, hay vì sao thực hiện các quy tắc vệ sinh an toàn là cần thiết. Cùng với đó, việc giải thích vì sao các nơi trẻ hay đến đã bị đóng cửa hay phải giữ khoảng cách với mọi người ngoài gia đình cũng gặp khó khăn rất lớn cho một đứa trẻ mới biết đi. Khi các thói quen thay đổi, cùng với các tin tức về số ca nhiễm và chết do virus mỗi ngày tăng, sự lo lắng và sợ hãi của trẻ chắc chắn sẽ tăng lên, thay đổi tâm trạng, hay xảy ra không tin tưởng bố mẹ nếu không được giải thích rõ ràng (Chambers et al., 2021).

     

    Hình 1: Con đường từ tác nhân căng thẳng có liên quan đến COVID-19.

    Trang PBS News hour ghi nhận một số câu chuyện có thực về ảnh hưởng của COVID-19 lên các mối quan hệ gia đình. Chia sẻ của cô bé tên Alexis, 17 tuổi, kể về bố mẹ của cô ấy và COVID-19. Trước đây, Alexis có mối quan hệ rất tốt với bố mẹ của mình. Nhưng kể từ khi đại dịch bắt đầu, họ đã tranh cãi rất nhiều. Cô chia sẻ: “Chúng tôi gắt gỏng với nhau nhiều hơn. Ngày càng có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn với virus. Tất cả chúng ta đều bị mắc kẹt trong nhà cùng nhau, nên căng thẳng chắc chắn càng tăng lên”. Alexis nói rằng ngay từ đầu khi xảy ra đại dịch, phần lớn sự căng thẳng của cha mẹ cô là vì không ai biết nhiều về cách thức lây truyền của virus hoặc điều gì sẽ giữ an toàn cho họ. Giờ đây, mối quan tâm của bố mẹ cô liên quan đến những yếu tố gây căng thẳng khác. Alexis còn cho biết, khi bố mẹ cô lo lắng về bà ngoại hoặc phải vật lộn với nhu cầu công việc hoặc khó chịu khi wifi gặp sự cố. Lúc này, toàn bộ năng lượng ở nhà thay đổi. “Sự việc này xảy ra không thường xuyên nhưng khi nó xảy ra, nó ảnh hưởng rất nhiều đến bà ấy”, và "với bố mẹ, tâm trạng của họ thay đổi tâm trạng của cả ngôi nhà”, cô ấy chia sẻ thêm.

    Cũng trên PBS news hour, Dorina Bekoe, mẹ của hai đứa con: 9 tuổi và 12 tuổi. Bekoe cho biết cô đang phải đối mặt với sự căng thẳng khi phải cố gắng cân bằng giữa chăm sóc con cái và công việc làm tại nhà của mình, khi cô phải tuân theo các khuyến nghị COVID-19 để chăm con gái của cô bị bệnh. Cô thức dậy lúc 4:30 sáng để hoàn thành công việc trước khi các con của cô ấy thức dậy. Và thức làm việc sau khi bọn trẻ đi ngủ vào khoảng 10:00 giờ tối. “Đó là một loại mệt mỏi,” cô nói.

    Một trường hợp khác, Malika, một học sinh cuối cấp trung học. Cô sống ở Washington, D.C., với bố và ông bà. Bố cô là một tài xế đã làm việc nhiều giờ kể từ khi đại dịch bắt đầu, với công việc chủ yếu là giao thức ăn. “Ông ấy rất mệt mỏi. Và ông ấy cáu kỉnh hơn về những điều nhỏ nhặt”, cô nói. Nếu trước đây, cô ấy để bát đĩa trong bồn rửa chén thì điều đó bình thường, nhưng bây giờ ông lại thấy khó chịu. Và điều này, nó ảnh hưởng đến cô ấy rất nhiều, cô chia sẻ “Nó khiến tôi trở nên kích động và cáu kỉnh và việc hoàn thành bài vở ở trường trở nên khó khăn hơn” (How Teachers’ and Parents’ COVID Stress Is Affecting Kids, 2021).

    Có thể thấy, COVID-19 đang âm thầm thay đổi cảm xúc, lối sống và trạng thái tâm lý của từng cá nhân theo hướng tiêu cực. Không những vậy, nó còn là hiệu ứng Domino tác động lẫn nhau và di chuyền lên các mối quan hệ trong gia đình, hay việc nuôi dạy con cái và rồi gián tiếp ảnh hưởng đến những người khác trong gia đình. 

    Bên cạnh việc ảnh hưởng từ việc tiếp xúc trực tiếp với virus, căng thẳng tâm lý xã hội, trầm cảm và xung đột giữa các cá nhân cũng có thể làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm bệnh và tăng độ nghiêm trọng của bệnh do tiếp xúc. Có bằng chứng chỉ ra rằng căng thẳng, trầm cảm và xung đột làm rối loạn điều hòa phản ứng viêm khi tiếp xúc với virus, trung gian làm giảm phản ứng miễn dịch đáp ứng với virus gây nhiễm (Cohen, 2021). Con đường này đặc biệt lưu ý vì nghiên cứu gần đây đã ghi nhận ảnh hưởng của hoạt động miễn dịch và "cytokine storm" (thuật ngữ miêu tả phản ứng dữ dội của hệ miễn dịch) đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 (Ragab et al., 2020).

    Tuy nhiên, nếu không tính đến vấn đề cơm áo gạo tiền thì COVID-19 cũng có lợi ích khi mà chúng ta có nhiều thời gian hơn cho bản thân và cho gia đình. Mỗi ngày ở trong nhà, sắp xếp công việc để làm việc online mà vẫn dành thời gian cho con cái. Các ông bố bà mẹ đều trở nên giỏi giang hơn trong việc sắp xếp thời gian để vừa hoàn thành tốt công việc vừa có thể dành thời gian chất lượng cho con mình. Bên cạnh đó, việc không phải đi làm, không phải ra ngoài mua đồ giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chúng ta có thể có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân mình để tự nhìn nhận, phát triển bản thân. Có thể là học thêm một kỹ năng mới, hay đào sâu kiến thức một mảng nào đó. Ngoài ra, mối nguy cơ COVID-19 chực chờ ở cửa nhà cũng giúp ta nâng cao cảnh giác hơn, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của cơ thể nâng cao, việc vệ sinh cơ thể, ăn uống để tăng cường sức đề kháng được chú ý hơn.

    Để giúp các con vượt qua giai đoạn khó khăn về tâm lý khi cả gia đình đối diện với khủng hoảng, các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe tâm sự, vỗ về cảm xúc của con. Cần phải từ từ giải thích với sự yêu thương và quan tâm, tăng cường sợi dây liên kết cảm xúc với con bằng cách dành thời gian chất lượng ở bên con. Dù cha mẹ có bận rộn, không thể dành nhiều thời gian bên con, nhưng những thời gian chất lượng sẽ làm con có cảm giác được quan tâm, được yêu thương, củng cố sự phát triển lòng tự trọng của con. Nhờ vậy con sẽ giảm cảm giác cô đơn, lạc lõng, một mình. Để làm được điều này, cha mẹ cần phải giữ bình tĩnh, tâm lý ổn định để ở bên các con. Đồng thời cha mẹ cần cân bằng giữa công việc và gia đình để có thể lo cho con được tốt nhất. Việc chú ý giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng như ăn ngủ đầy đủ, cân bằng, bổ sung vitamin cũng là hết sức cần thiết.

    Thực ra, khi phải đối mặt với nỗi sợ COVID-19 của cha mẹ hàng ngày, con cũng sẽ cảm nhận được nỗi sợ không tên nào đó. Chúng ta nên giúp con đặt tên cho nỗi sợ đó. Hãy giải thích về độ nguy hiểm của COVID-19 một cách dễ hiểu nhưng đừng hù dọa con. Hãy giúp con hiểu rằng nếu con chăm sóc bản thân tốt như rửa tay, đeo khẩu trang,... đúng cách, hay tránh ra ngoài để khỏi lây lan COVID-19 thì con vẫn có thể khỏe mạnh. Trong tình huống trong nhà có người mắc COVID-19, chúng ta phải cố gắng giữ bình tĩnh để con không bị lây nỗi lo âu của người lớn.

    Nói tóm lại, trong diễn biến dịch đang ngày càng tăng cao thì các mối lo âu và có khi là trầm cảm là không thể tránh khỏi; những căng cẳng trong quan hệ gia đình khó có thể giải tỏa. Vì vậy mỗi chúng ta cần phải tỉnh táo, sắp xếp hài hòa giữa công việc, gia đình và tự điều chỉnh cảm xúc để có thể khỏe mạnh vượt qua giai đoạn này. Chúng ta không nên để stress kéo dài vì nó sẽ làm giảm hệ miễn dịch và có thể gây ra nhiều bệnh, dẫn đến virus dễ dàng tấn công. Cha mẹ giữ tâm thế thoải mái thì con cái cũng sẽ vô tư cùng vượt qua giai đoạn này. 

     

    Tài liệu tham khảo:

    Lai J, Ma S, Wang Y, et al. Factors associated with mental health outcomes among health care workers exposed to coronavirus disease 2019. JAMA Network Open. 2020;3(3):e203976–e. doi:10.1001/jamanetworkopen.2020.3976

    Liang, Leilei; Ren, Hui; Cao, Ruilin; Hu, Yueyang; Qin, Zeying; Li, Chuanen; Mei, Songli (2020). The Effect of COVID-19 on Youth Mental Health. Psychiatric Quarterly, (), –. doi:10.1007/s11126-020-09744-3

    Chambers, S., Clarke, J., Kipping, R., Langford, R., Brophy, R., Hannam, K., Taylor, H., Willis, K., & Simpson, S. A. (2021). Children’s emotional wellbeing during spring 2020 COVID-19 restrictions: A qualitative study with parents of young children in England. MedRxiv, 2021.07.02.21259900. https://doi.org/10.1101/2021.07.02.21259900

    Cohen, S. (2021). Psychosocial Vulnerabilities to Upper Respiratory Infectious Illness: Implications for Susceptibility to Coronavirus Disease 2019 (COVID-19). Perspectives on Psychological Science, 16(1), 161–174. https://doi.org/10.1177/1745691620942516

    Feinberg, M. E., Mogle, J. A., Lee, J.-K., Tornello, S. L., Hostetler, M. L., Cifelli, J. A., Bai, S., & Hotez, E. (n.d.). Impact of the COVID-19 Pandemic on Parent, Child, and Family Functioning. Family Process, n/a(n/a). https://doi.org/10.1111/famp.12649

    How teachers’ and parents’ COVID stress is affecting kids. (2021, April 6). PBS NewsHour. https://www.pbs.org/newshour/education/how-teachers-and-parents-COVID-stress-is-affecting-kids

    McCormack, G. R., Doyle-Baker, P. K., Petersen, J. A., & Ghoneim, D. (2020). Parent anxiety and perceptions of their child’s physical activity and sedentary behaviour during the COVID-19 pandemic in Canada. Preventive Medicine Reports, 20, 101275. https://doi.org/10.1016/j.pmedr.2020.101275

    Ragab, D., Salah Eldin, H., Taeimah, M., Khattab, R., & Salem, R. (2020). The COVID-19 Cytokine Storm; What We Know So Far. Frontiers in Immunology, 11, 1446. https://doi.org/10.3389/fimmu.2020.01446

    Stein, J. A., & Newcomb, M. D. (1994). Children’s Internalizing and Externalizing Behaviors and Maternal Health Problems1. Journal of Pediatric Psychology, 19(5), 571–594. https://doi.org/10.1093/jpepsy/19.5.571

    Westrupp, E., Bennett, C., Berkowitz, T. S., Youssef, G., Toumbourou, J., Tucker, R., Andrews, F., Evans, S., Teague, S., Karantzas, G., Melvin, G. A., Olsson, C., Macdonald, J., Greenwood, C., Mikocka-Walus, A., Hutchinson, D., Fuller-Tyszkiewicz, M., Stokes, M. A., Olive, L., … Sciberras, E. (2020). Child, parent, and family mental health and functioning in Australia during COVID-19: Comparison to pre-pandemic data. PsyArXiv. https://doi.org/10.31234/osf.io/ydrm9

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên