Kinh tế - Xã hội

Cảm xúc của người dân đối với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong bối cảnh bùng nổ dịch bệnh lần thứ tư tại Việt Nam

  • 20/09/2021
  • Giang Thiên Vũ, Lê Ngọc Khang, Đỗ Tất Thiên,
    Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
    ---------

    Tóm tắt

    Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là khi người dân đối diện với việc tiêm vắc-xin. Nghiên cứu được thực hiện với mục đích khám phá cảm xúc của người dân đối với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong bối cảnh bùng nổ dịch bệnh lần thứ tư. Kỹ thuật phỏng vấn và phân tích theo chủ điểm được sử dụng để tìm hiểu phản ứng cảm xúc của người dân khi đối diện với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong bối cảnh diễn tiến phức tạp của dịch bệnh. Kết quả cho thấy, việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là một sự kiện tác động tích cực đến cảm xúc người dân trong bối cảnh đại dịch. Sự xuất hiện của vắc-xin như một nguồn lực tinh thần giúp người dân đảm bảo sức khỏe, tính mạng và khả năng đương đầu với dịch bệnh. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình nhận biết thông tin nguồn vắc-xin đầu tiên nhập về Việt Nam cho đến khi hoàn thành 2 mũi tiêm là một sự chuyển biến tâm lý phức tạp từ căng thẳng, lo lắng đan xen sự vui mừng, hồi hộp.  Kết quả này là cơ sở đề xuất chiến lược tư vấn tâm lý, chăm sóc tinh thần hiệu quả trong mùa dịch tập trung vào nâng đỡ cảm xúc, cũng như làm cơ sở tiếp tục các nghiên cứu về phản ứng cảm xúc của người Việt Nam với các sự kiện có tính sang chấn (dịch bệnh) trong tương lai. 

    Từ khóa: COVID-19, diễn tiến tâm lý, tiêm vắc-xin, vắc-xin ngừa COVID-19.

    1. Mở đầu

    Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của đất nước, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Do đó, vào giữa tháng 7/2021, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho khoảng 75 triệu dân Việt Nam chính thức được phát động (VTV NEWS, 2021). Trước tình hình cấp bách đó, tiến độ tiêm vắc-xin không ngừng được đẩy mạnh với hy vọng sớm ngăn chặn được các biến chủng mới của dịch bệnh. 

    Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mỗi người dân sẽ trải nghiệm nhiều nỗi lo lắng khác nhau, ví dụ như lo lắng về sức khỏe, tài chính, những người thân của mình,... Không chỉ ở trẻ em mà ở người trưởng thành cũng sẽ xuất hiện rất nhiều những cảm xúc âm tính và dương tính khi tìm hiểu về COVID-19, cũng như khi tham gia tiêm chủng vắc-xin (Cullen et al., 2020). Trong đó, chúng tôi quan tâm nhất ở sự thay đổi cảm xúc của người dân trước, trong và sau khi tiêm vắc-xin vì đây là sự kiện không chỉ thúc đẩy bản năng sống còn, mà còn là sự mâu thuẫn về cảm xúc (Chou & Budenz, 2020)

    Khi dịch bệnh diễn ra vô cùng căng thẳng thì những chuỗi cảm xúc ở người dân đã được tiêm, cũng như đang chờ đến lượt tiêm lại càng phức tạp hơn và có thể dẫn đến lo âu. Khi lo âu kéo dài và cản trở các chức năng sống khác của cá nhân thì nó có thể trở thành rối loạn (APA, 2013). Trải nghiệm dịch bệnh là một sang chấn vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. WHO (2020) cảnh báo, sự căng thẳng trong giai đoạn bùng nổ dịch COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm ở mọi lứa tuổi. Do đó, việc hiểu đúng về COVID-19 cũng như cách chăm sóc sức khỏe tâm thần trong bối cảnh này là cấp thiết. 

    Từ những lý do trên, nghiên cứu khám phá “Cảm xúc của người dân đối với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong bối cảnh bùng nổ dịch bệnh lần thứ tư tại Việt Nam” được thực hiện.

    2. Phương pháp nghiên cứu

    Chúng tôi tiếp cận vấn đề bằng phương pháp nghiên cứu định tính với khách thể là người dân đang sống ở TP.HCM. Để đạt được độ tin cậy, cũng như đảm bảo kỹ thuật chọn mẫu có chủ đích là các khách thể phải đảm bảo không bị nhiễm COVID-19, đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và có cam kết tham gia nghiên cứu xuyên suốt bối cảnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Với cách chọn mẫu này, các yếu tố giới tính, trình độ văn hóa, khu vực sinh sống,… được nhìn nhận không có sự khác biệt đáng kể (Creswell & Creswell, 2017). 

    Để thực hiện nghiên cứu, chúng tôi sử dụng kỹ thuật phỏng vấn sâu tập trung vào các phản ứng cảm xúc của người dân trong các bối cảnh khác nhau của dịch bệnh, khách thể được yêu cầu hồi tưởng lại những giai đoạn đã trải nghiệm, cũng như trình bày cảm xúc của mình khi đối diện với những tình huống sắp đến liên quan đến việc tiêm vắc-xin. Câu hỏi mở “Bạn cảm thấy như thế nào khi trải qua [bối cảnh]?” được sử dụng để khơi gợi khách thể chia sẻ. Các [bối cảnh] liên quan đến việc tiêm vắc-xin được hệ thống gồm: (1) Dịch bệnh bùng nổ; (2) Công khai chiến dịch tiêm chủng toàn dân; (3) Dịch bệnh kéo dài; (4) Đăng ký tiêm chủng; (5) Chờ đợi được tiêm mũi 1; (6) Tiêm mũi 1; (7) Theo dõi sức khỏe sau khi tiêm mũi 1; (8) Thích ứng của cơ thể với vắc-xin và bối cảnh mới; (9) Chờ đợi tiêm mũi 2; (10) Đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin.

    Sau đó, chúng tôi chọn có chủ đích một khách thể đảm bảo các tiêu chí chọn mẫu như đã đề cập. Cuộc phỏng vấn trực tuyến qua nền tảng Zoom được diễn ra từ 45 – 60 phút. Sau đó, khách thể 1 được yêu cầu giới thiệu 1 – 2 người quen đáp ứng các tiêu chí chọn mẫu của đề tài để chúng tôi liên hệ và phỏng vấn. Với kỹ thuật quả cầu tuyết này, khi dữ liệu về phản ứng cảm xúc của người dân đối với việc tiêm vắc-xin được làm dày và không có phát hiện mới về những cảm xúc mới có liên quan, chúng tôi dừng ở khách thể thứ 15 (Noy, 2008). Các cuộc phỏng vấn đều được sự đồng ý của khách thể về việc ghi âm và cam kết sử dụng dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Để bảo mật thông tin, tên khách thể được mã hóa từ KT1 đến KT15 theo thứ tự phỏng vấn. 

    Từ dữ liệu thu được, chúng tôi tiến hành phân tích theo chủ điểm với 3 phân tích viên (trình độ Thạc sĩ Tâm lý học) làm việc độc lập để mà hóa các câu, ý, từ khóa quan trọng từ băng ghi âm và lưu trữ trong phần mềm ATLAS.Tis 9. Sau đó, hệ thống thành các chủ điểm khác nhau bám sát 10 bối cảnh liên quan đến việc tiêm vắc-xin đã xác định. Tiếp theo, cuộc thảo luận nhóm giữa 3 phân tích viên với sự góp mặt của người giám sát chuyên môn diễn ra để phản biện và thống nhất các chủ điểm về phản ứng cảm xúc chung của người dân đối với các bối cảnh khác nhau của việc tiêm ngừa vắc-xin. Các chủ điểm chung được thống nhất thành 10 giai đoạn cảm xúc của người dân đối với việc tiêm vắc-xin và trình bày ở phẩn tiếp theo. 

    3. Các phát hiện và bình luận

    Giai đoạn 1: Lo lắng vì chưa thể tiếp cận nguồn vắc-xin trong bối cảnh dịch bệnh diễn tiến phức tạp

    COVID-19 đối với cộng đồng có thể gây tâm lý lo lắng, sợ hãi rằng mình và người thân có thể bị mắc bệnh, có nguy cơ tử vong,… Đó là những tổn thương tâm lý nghiêm trọng (Psycare, 2021). KT2 chia sẻ: “Công nhân khu trọ của tôi có ý thức phòng, chống dịch. Bởi đa phần là các gia đình có trẻ nhỏ, bản thân họ cũng sợ lây nhiễm cho người nhà nên trừ khi đi làm ở công ty họ mới ra ngoài, còn không là đều ở nhà”. Cũng chung nỗi lo lắng trên, KT14 chia sẻ: “Tôi sợ ra ngoài lắm, bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong nhà lúc nào cũng có ít nhất 2 hộp khẩu trang để mọi người đeo khi ra ngoài”.

    Một yếu tố tác động đến tâm lý căng thẳng của người dân chính là việc chưa thể tiếp cận nguồn vắc-xin ngừa COVID-19. Theo VNVC (2020), lô vắc-xin đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam vào cuối tháng 2/2021. Tuy nhiên, do nguồn vắc-xin có giới hạn nên Bộ Y tế đã ban hành quy định về nhóm các đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa. Do đó, những người dân không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tiêm sẽ phải chờ đợi đến lượt. Chính sự chờ đợi trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và thực trạng nguồn vắc-xin nhập khẩu về Việt Nam bị hạn chế đã làm gia tăng sự lo lắng của người dân. Họ muốn được tiêm vắc-xin để đảm bảo an toàn, nhưng nhu cầu này không thể thỏa mãn được ở thời điểm hiện tại. KT7 cho biết: “Tôi không thuộc đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin sớm. Tôi không biết phải đợi đến khi nào mới được tiêm. Tôi lo sợ mình sẽ bị dương tính trước khi được tiêm trong lúc này. Tôi cảm thấy rất bế tắc. Giờ có tiền cũng không thể tiêm được…”.

    Theo Ciotti và cộng sự (2020), COVID-19 khiến đời sống xã hội thay đổi. Việc cách ly tại nhà, giãn cách xã hội không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến người dân khó chịu, bức xúc vì không được giải tỏa. Sự căng thẳng, u uất này càng trầm trọng thêm khi người dân biết họ sẽ được tiêm vắc-xin nhưng không biết đến bao giờ. Đây là nguyên nhân khiến lo âu, trầm cảm gia tăng. 

    Giai đoạn 2: Vui mừng với thông tin về việc triển khai tiêm chủng toàn dân

    Sau những tháng ngày lo lắng với tình hình dịch bệnh, thì cuối cùng người dân cũng sắp được tiếp cận với việc tiêm vắc-xin. Tiêm vắc-xin càng lớn càng tốt, đó là cách an toàn và hiệu quả nhất hiện tại để bảo vệ người dân khỏi sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Thực tế này làm xuất hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong cảm xúc khi người dân cảm thấy an tâm hơn cho sức khỏe, tính mạng của mình. 

    Kết quả phỏng vấn cho thấy, người dân rất vui mừng khi nhận được thông tin về việc tiêm ngừa toàn dân. KT1 chia sẻ, “Qua theo dõi thông tin cho thấy việc tiêm vắc-xin cũng rất an toàn nên bản thân anh và gia đình cũng như nhiều người mong mỏi sớm được tiêm để yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh”. Cùng cảm xúc trên, KT4 vui mừng nói: “Mong rằng thành phố sẽ sớm có vắc-xin để tiêm hết cho người dân nhằm đạt miễn dịch giúp cuộc sống trở lại bình thường”. 

    Chiều ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 toàn quốc. Theo báo cáo của Bộ Y tế, dù nguồn vắc-xin khan hiếm trên quy mô toàn cầu nhưng với nỗ lực lớn, trong năm 2021, Việt Nam có được khoảng 105 triệu liều vắc-xin và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (Báo Tuổi trẻ, 2021). 

    Hy vọng được sớm tiêm vắc-xin là nhu cầu chung của người dân cả nước trong thời điểm hiện tại và thông tin về chiến dịch tiêm vắc-xin toàn dân đã kích thích gia tăng cảm xúc dương tính, mong chờ sự thay đổi tích cực. 

    Giai đoạn 3: Căng thẳng vì dịch ngày càng nặng, số ca bệnh, người chết tăng và vẫn chưa đến lượt tiêm vắc-xin

    Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng căng thẳng, có ngày số ca dương tính và tử vong liên tục tăng trên cả nước. Vì vậy, áp lực đè nặng lên các lực lượng tuyến đầu vô cùng lớn. Trước những thông tin thời sự đó, người dân cũng mang tâm lý hoang mang, hồi hộp chờ đợi ngày nhận được thông báo về việc tiêm vắc-xin. 

    KT9 cho biết: “Bây giờ dịch bùng phát nguy hiểm quá, không thể lường trước được chuyện gì xảy ra. Xung quanh mình có F0 hay không, mình cũng không thể biết. Tiêm vắc-xin có thể giúp mình an tâm hơn. Mong mọi người chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch để trở lại cuộc sống bình thường như trước”. KT3 cho biết, khu nhà trọ anh đang ở gần công ty nên cũng bị phong tỏa hơn một tuần nay. “Không đi làm được nên cả xóm trọ ai cũng tiêu pha cũng dè sẻn, tằn tiện hơn mới đủ xoay xở. Công nhân không thể làm việc ở nhà như nhiều nghề khác, không đến xưởng thì không có thu nhập nên ai cũng mong được sớm tiêm vắc-xin để đảm bảo an toàn sớm quay trở lại nhà máy làm việc”.

    Với chính sách tiêm chủng cho tất cả người dân từ 18 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêm ngừa. Chính vì việc quá tải về mặt số lượng người dân, thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn vắc-xin, lực lượng hỗ trợ,… nên việc chờ đến lượt tiêm vắc-xin khá lâu là điều không tránh khỏi. Quãng thời gian chờ đợi có thể khiến người dân căng thẳng, lo lắng, thậm chí cảm thấy khó chịu, bực bội. Thời gian ở trong nhà kéo dài cùng nhiều nỗi lo lắng, suy nghĩ tiêu cực khiến nhiều người lâm vào tình trạng căng thẳng kéo dài, thậm chí trầm cảm. 

    Giai đoạn 4: Vui mừng khi chính quyền tổ chức đăng ký và tiêm vắc-xin bằng nhiều hình thức khác nhau

    Nhận được thông tin Nhà nước tiêm vắc-xin cho cả người có hộ khẩu hay không có hộ khẩu giúp người dân cảm thấy an tâm hơn cho sức khỏe của mình. Tùy theo từng địa phương, một số nơi còn tạo các đường dẫn gửi đến người dân trong địa bàn để hướng dẫn đăng ký và để nhận thông tin hướng dẫn về việc tiêm vắc-xin, kèm tin nhắn “Mời người dân đi tiêm vắc-xin” rất chu đáo, mang tính khích lệ, động viên. 

    Theo Bộ Y tế, để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin - Truyền thông đã cho ra đời ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để những người có nhu cầu tiêm đăng ký trực tuyến, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm. Người dân cũng có thể truy cập cổng thông tin tiêm chủng https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm. 

    KT11 cho biết: “Hôm nay, nhà tôi có bốn người đi tiêm. Nhân viên y tế rất nhiệt tình hỗ trợ bà con và cả gia đình tôi. Tiêm gần nhà, chúng tôi đi bộ rất thuận tiện; còn nếu đi xe, không biết đi đường nào, vì đường nào cũng rào hết rồi. Chúng tôi rất hoan nghênh việc chính quyền tổ chức xuống tận khu vực phong tỏa tiêm như thế này”. Cùng quan điểm, KT12 cho biết, “Sáng nay, ba thành viên trong gia đình ông được gọi đi tiêm. Ở đây, lực lượng y tế làm việc rất là tốt, nhanh chóng, tiện lợi. Nơi được chọn làm điểm tiêm nằm ngay trong khu dân cư phong tỏa nên rất thuận lợi cho người dân”. Như vậy, không chỉ hình thức đăng ký tiêm vắc-xin đơn giản, đa dạng mà địa điểm tiêm vắc-xin cũng an toàn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. 

    Người dân vô cùng vui mừng với sự thuận tiện, đa dạng hình thức đăng ký và tiêm vắc-xin, đặc biệt là việc đăng ký, theo dõi hồ sơ trực tuyến, đưa điểm tiêm lưu động đến gần người dân. Điều này cũng góp phần giảm nỗi lo lắng của người dẫn về việc kéo dài thời gian làm thủ tục và việc tiếp xúc với nhiều người tại điểm tiêm vắc-xin. 

    Giai đoạn 5: Tiếp tục lo lắng, căng thẳng vì số ca nhiễm chưa kiểm soát được và vẫn chưa đến lượt mình được tiêm vắc-xin

    Dù đã được đăng ký và có tên trong danh sách tiêm vắc-xin nhưng với dân số quá đông đã dẫn đến tình trạng ùn tắc. Trong những ngày tiếp tục chờ đợi, đối mặt với nhiều thông tin dày đặc về diễn bức phức tạp của dịch bệnh khiến tâm lý người dân vô cùng nhạy cảm, đôi khi là những suy nghĩ tiêu cực

    KT5 chia sẻ: “Tôi đăng ký tiêm vắc-xin, mong được tiêm sớm. Được tiêm là tôi mừng rồi, không nghĩ gì chuyện kén chọn”. Ngồi ở hàng ghế chờ, KT15 cho biết anh cùng ba người khác đều là nhân viên phục vụ tại một quán ăn được đăng ký tiêm vắc-xin đợt này. “Dịch căng thẳng như thế này, muốn về quê cũng không dễ, đi lại khó khăn, nên tôi được chủ quán động viên ở lại TP.HCM để được tiêm vắc-xin sớm. Do đó tôi quyết định ở lại và hôm nay thực sự đã đến lượt mình được tiêm”. Có thể thấy được, mong muốn được sớm tiêm vắc-xin là nguyện vọng chung của người dân toàn quốc. 

    Kèm với đó cũng là nỗi lo về việc mình sẽ được tiêm loại vắc-xin nào? Loại đó có tốt hay không? Có gây phản ứng nào với cơ thể không? Nên ăn gì, uống gì trước vào sau tiêm để không sốt, mệt mỏi? Hay, điểm tiêm vắc-xin có an toàn không? Đi tiêm vào thời điểm này có quá mạo hiểm không? Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu khiến sự lo lắng càng thêm chồng chất, những suy nghĩ này có thể gây chán nản, buồn bã hoặc trằn trọc mất ngủ, làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khỏe thể chất. 

    Không những thế, việc nghe được thông tin những người xung quanh đều được tiêm vắc-xin nhưng bản thân vẫn chưa được tiêm khiến nhiều người cảm thấy nôn nóng, ghen tị, đặc biệt là cảm giác thua kém. Từ đó nảy sinh suy nghĩ tiêu cực và hành vi ứng xử không đúng đắn, văn minh.  

    Giai đoạn 6: Vui vẻ khi đến lượt được tiêm vắc-xin mũi một

    Sau những ngày mong mỏi được tiêm vắc-xin, đến lượt mình, người dân cho biết vô cùng vui mừng, cảm thấy mình may mắn khi ở diện ưu tiên “tiêm sớm chừng nào tốt chừng nấy”. Trước khi tiêm, người dân đều được khám sàng lọc nên đa phần rất yên tâm. Các trường hợp có bệnh nền (tim mạch, cao huyết áp,…), người lớn tuổi được ưu tiên tiêm ở bệnh viện hoặc nơi trang bị đủ thuốc (phòng trường hợp phát bệnh). Với quy định về việc tiêm miễn phí, tự nguyện, đảm bảo an toàn và hướng dẫn cụ thể theo quy định nghiêm ngặt khiến cho người dân tin tưởng, phấn khởi khi tiêm vắc-xin. 

    KT7 rất phấn khởi cầm giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin COVID-19 chia sẻ: “Mới đăng ký danh sách được 3 ngày là được tổ dân phố gọi đi tiêm vắc-xin. Dịch bệnh đang nguy hiểm, đặc biệt với những người lớn tuổi như tôi, nên khi được tiêm vắc-xin tôi rất mừng và yên tâm. Mình già rồi nên làm mấy thông tin bằng máy tính không được, nhưng đến đây thì được các cháu trong Đoàn thanh niên hướng dẫn rất tận tình và động viên nữa”. KT10 là người đầu tiên được tiêm vắc-xin COVID-19 tại công viên Vinhomes Central Park cho hay: “Tôi rất vui vì sau nhiều ngày chờ đợi, nay đã được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên”. Điều đặc biệt là điểm tiêm lại được tổ chức trong công viên nằm trong khu đô thị gia đình chị đang sinh sống, rất tiện cho việc đi lại.

    Như vậy, giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin mũi 1 cũng làm cho người dân cảm thấy phấn khởi, tự tin hơn để tiếp tục cùng nhau ứng phó với đại dịch. 

    Giai đoạn 7: Hồi hộp, lo sợ phản ứng sau khi tiêm vắc-xin mũi một

    Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: “Đa số người dân lo ngại người thể trạng yếu, người lớn tuổi, có bệnh lý nền ổn định, hoặc đang dùng thuốc thì sẽ bị “hành” nhiều khi chích vắc-xin COVID-19. Điều này hoàn toàn phản khoa học…” (VNVC, 2021). Tại Ấn Độ, một nghiên cứu được thực hiện bởi Hội đồng Chính phủ đã cho ra một kết quả đáng kinh ngạc rằng có đến hơn 30% các phản ứng phụ sau tiêm được bắt nguồn từ chính cảm giác lo lắng của người tham gia tiêm chủng. Theo một báo cáo khác của Ủy ban Quốc gia về các triệu chứng bất lợi sau tiêm (AEFI) được ghi nhận có phản ứng phụ liên quan đến cảm giác lo lắng. Các báo cáo về cùng một đề tài trên đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân cho việc xuất hiện những tác dụng phụ do lo lắng. Hai trong số những lý do phổ biến nhất phải kể đến là sự nghi ngại với loại vắc-xin và chứng ám ảnh về kim tiêm. Chứng bệnh sợ kim tiêm này có thể là nguyên nhân của ít nhất 10-15% các trường hợp tiêm vắc-xin chậm trễ tại Anh và Mỹ (Loomba et al., 2021).

    Theo Dodd và cộng sự, (2021), trong công tác tiêm chủng nói chung, bất kỳ cảm giác lo lắng nào dù là nhỏ nhất đều có thể dẫn đến những phản ứng căng thẳng trong tiềm thức, từ đó biểu hiện ra bên ngoài những dấu hiệu rất giống với một số phản ứng phụ do vắc-xin gây ra như tim đập nhanh, buồn nôn, mệt mỏi, run rẩy, suy nhược, chóng mặt và một số dấu hiệu tương tự bệnh cúm. Các chuyên gia cũng tin rằng sự lo lắng gia tăng xung quanh việc tiêm vắc-xin không chỉ gây ra nhiều hiểu lầm không đáng có về các tác dụng phụ mà còn cản trở những hiệu quả mà vắc-xin bằng cách làm suy giảm hệ miễn dịch.

    Kết quả phỏng vấn cho thấy, cùng với tâm lý vui mừng khi đã được tiêm vắc-xin thì người dẫn cũng căng thẳng vì sợ tác dụng phụ kèm theo. KT14 tâm sự: “Công việc của tôi thường xuyên đứng chốt ở các chỗ phong tỏa nên việc lo lắng tiếp xúc với các ca bệnh là không tránh khỏi. Trong đợt tiêm này tôi được ưu tiên tiêm nên tôi vui lắm. Tuy nhiên, tôi khá lo về tác dụng sau tiêm vắc-xin”. KT8 cho hay, “Tại khâu đo huyết áp mặc dù có huyết áp cao, tôi phải ngồi chờ 30 phút cho đến khi đo lại huyết áp ổn định thì mới được tiêm. Do gặp một số trục trặc này nên tôi rất lo về tình hình sức khỏe của mình sau tiêm.”

    Nhiều người dân theo dõi các thông tin hằng ngày trên mạng xã hội về việc tiêm vắc-xin gây các tác dụng phụ như nhức đầu, đau cơ, sốt cao, mệt mỏi, không thể làm việc được trong nhiều ngày,… càng làm cho sự lo sợ tăng cao. Dù rằng sự thay đổi không đáng kể, nhưng minh chứng một số tác động tiêu cực từ thông tin mạng xã hội đến tâm lý người dân nếu chưa được kiểm định một cách khoa học. Tìm hiểu nhiều nhưng thông tin không có hệ thống, phản khoa học càng làm người dân tự đưa bản thân vào những tình huống không đáng có, đôi lúc lại gây hại thêm. 

    Giai đoạn 8: Vui mừng sau 48 giờ khi cơ thể vẫn ổn và cảm thấy an toàn hơn khi đã được tiêm vắc-xin mũi một

    Sau khi tiêm vắc-xin, người dân được yêu cầu nghỉ ngơi tại điểm tiêm từ 15 - 30 phút để chờ kết quả phản ứng (nếu có). Riêng đối với người có bệnh nền hay người cao tuổi, sẽ được tiêm tại bệnh viện và có chế độ theo dõi, chăm sóc sức khỏe riêng sau tiêm. Như đã phân tích, những phản ứng sau tiêm là hoàn toàn tự nhiên, sau 48 giờ những phản ứng này dần mất đi và sức khỏe ổn định trở lại là điều làm người dân thoải mái, vui mừng nhất. 

    KT11 cho biết đã trải qua 48 giờ sau mũi tiêm đầu tiên, có một số phản ứng sau tiêm như sốt nhẹ, đau nhức cơ nhưng mức độ nhẹ hơn so với hình dung ban đầu. “Tôi rất mừng là phản ứng sau tiêm không đến mức phải nghỉ phép, mặc dù ban đầu đã lên kế hoạch phải nghỉ dưỡng sức 2 ngày. Bây giờ tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều, đã được tiêm mũi 1 và duy trì nguyên tắc 5K nữa thì tôi hoàn toàn tin rằng bản thân đã được bảo vệ trước dịch bệnh”. KT12 cho hay, “Được tiêm là vui rồi, hơn thế được tiêm ở bệnh viện, tôi yên tâm và hạnh phúc lắm. Từ lúc thành phố bùng phát dịch, tôi chỉ ở nhà. Bây giờ, được tiêm vắc-xin hơn 2 ngày rồi, tôi cảm thấy sức khỏe rất tốt và tự tin hơn trong việc phòng dịch”.

    Niềm vui của người dân khi không xảy ra những phản ứng nặng sau tiêm là niềm vui chung của người dân, bởi tình hình dịch bệnh trong khu vực vẫn còn diễn ra phức tạp. Được tiêm vắc-xin kịp thời, nhanh chóng và an toàn là điều khiến họ vô cùng hạnh phúc, phấn khởi, tự tin đương đầu đại dịch. Đến đây, được tiêm mũi một an toàn xem như đã hoàn thành một nửa chặng đường tiêm vắc-xin – đẩy lùi đại dịch.

    Giai đoạn 9: Tiếp tục chờ đợi và trông chờ không biết khi nào được tiêm mũi hai

    Sự lo lắng, trông chờ tiếp tục lặp lại khi tình hình dịch bệnh vẫn ngày càng căng thẳng, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Số lượng người chưa tiêm vắc-xin còn rất nhiều, cơ sở vật chất và lực lượng tuyến đầu còn thiếu thốn, luôn cần sự hỗ trợ, chi viện của cả nước. Với bối cảnh này, việc người dân mơ hồ không biết khi nào mình được tiêm mũi 2 là điều khó tránh. 

    KT1 chia sẻ, “Tôi đã được tiêm mũi 1 cách đây 4 tuần, nhưng tôi vẫn rất lo lắng không biết khi nào mình mới được tiêm mũi 2 vì thấy tình hình còn nhiều người chưa được tiêm quá”. Cùng suy nghĩ, KT4 chia sẻ: “Tôi may mắn được ưu tiên tiêm sớm mũi 1, tuy nhiên, tôi cũng rất lo tới thời điểm tiêm mũi 2 tôi lại chưa đến lượt, tôi sợ khoảng cách xa quá thuốc không có tác dụng”.

    Bộ Y tế đã ban hành công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 về hướng dẫn tiêm hai mũi vắc xin phòng COVID-19. Việc kết hợp hai loại vắc-xin cho hai lần tiêm có thể gây tăng phản ứng sau tiêm so với nếu tiêm cùng một loại. Ở giai đoạn chờ tiêm mũi hai, nhiều người dân bắt đầu nảy sinh tâm lý nôn nóng tiếp tục được tiêm bởi vì nếu lượng vắc-xin không đáp ứng đủ thì đến thời gian tiêm mũi hai có đủ thuốc không? Tiêm trễ có bị ảnh hưởng gì không? Rất nhiều câu hỏi đặt đặt ra luôn khiến sự lo lắng thái quá, lo lắng kéo dài lặp đi lặp lại có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm rất cao. 

    Giai đoạn 10: Vui mừng khi đã hoàn thành việc tiêm hai mũi vắc-xin

    Theo nghiên cứu của Andreadakis và cộng sự (2020), sau khi tiêm mũi một, hiệu quả phòng các thể COVID-19 phải ít nhất sau 14 ngày (với vắc-xin Moderna), 14 đến 21 ngày (với vắc-xin AstraZeneca) mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi 2 từ một tháng, vắc-xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60% - 90% tùy loại vắc-xin. Như vậy, dù đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin thì vẫn có nguy cơ mang bệnh. Nhưng lợi ích mà vắc-xin đem lại là nếu mắc bệnh sẽ nhẹ hơn, giảm khả năng lây nhiễm và hạn chế tử vong. 

    KT3 cùng gia đình cho biết: “Tôi không nghĩ gia đình tôi có cơ hội được tiêm vắc-xin đầy đủ 2 mũi vắc-xin sớm như vậy… quy trình tiêm chủng được tổ chức rất tốt, nhanh chóng và an toàn”. Đồng suy nghĩ trên, KT9 chia sẻ: “Tôi rất vui mừng và bất ngờ, không nghĩ mình được hoàn thành 2 mũi tiêm nhanh như vậy, từ nay tôi và gia đình rất yên tâm để tiếp tục phòng chống dịch cùng cả nước”.

    Đối với người dân, những ai đã sớm hoàn thành tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin trong bối cảnh hiện nay thì thực sự là một niềm may mắn, hạnh phúc. Hoàn thành hai lần tiêm, người dân sẽ không quá lo lắng về sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh diễn tiến và cảm thấy an tâm hơn để tham gia vào quá trình tái sản xuất, vận hành lại công việc. Tuy nhiên, dù đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, người dân không được chủ quan và phải tuân thủ quy tắc 5K khi đến nơi đông người, cũng như luôn trên tinh thần vừa chiến đấu, vừa sản xuất và chung sống cùng đại dịch. 

    4. Kết luận

    Dịch bệnh COVID-19 gây ra những tác động đáng kể đối với tâm lý của người dân, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Sự xuất hiện của vắc-xin ngừa COVID-19 như một nguồn lực tinh thần mạnh mẽ, giúp người dân cảm thấy an toàn hơn trong đại dịch. Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển biến cảm xúc tích cực đối với người dân trong bối cảnh đại dịch vì nhu cầu an toàn về sức khỏe thể chất và tinh thần của họ được đảm bảo. 

    Sự thay đổi cảm xúc của người dân đối với việc tiêm vắc-xin được trình bày qua 10 giai đoạn. Diễn tiến này tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, từ đó có thể nảy sinh căng thẳng, lo âu, thậm chí là trầm cảm nếu không ứng phó kịp thời. 

    Có thể nhận định, cảm xúc của người dân đối với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là chuỗi cảm xúc âm tính và dương tính đan xen. Hiểu được những thay đổi, cũng như dự báo được sự chuyển biến tâm lý trong bối cảnh này sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, có thể tự trấn an bản thân và nâng cao sức khỏe, nâng đỡ tinh thần hợp lý, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để những nghiên cứu tiếp theo về phản ứng cảm xúc của người dân đối với sự kiện dịch bệnh được kế thừa và có những bước nghiên cứu sâu hơn về bản chất của chuỗi cảm xúc đó. Ngoài ra, các phát hiện của nghiên cứu này có thể hỗ trợ các nhà tâm lý có những chiến lược chăm sóc tinh thần hiệu quả trong mùa dịch, góp phần chung tay và đồng hành cùng người dân chiến thắng đại dịch.  

    Bài viết là sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu do nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thực hiện với sự quản lý của Phòng Khoa học Công nghệ và Môi Trường – Tạp chí khoa học.

    Tài liệu tham khảo

    American Psychiatric Association (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders 5th Edition. American Psychiatric Association.

    Andreadakis, Z., Kumar, A., Román, R. G., Tollefsen, S., Saville, M., & Mayhew, S. (2020). The COVID-19 vaccine development landscape. Nature reviews. Drug discovery19(5), 305-306.

    VTV NEWS (2021). Phát động chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử. Dẫn nguồn: https://vtv.vn/chinh-tri/phat-dong-chien-dich-tiem-chung-quoc-gia-lon-nhat-trong-lich-su-20210710122931102.htm 

    Báo Tuổi trẻ (2021). Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Dẫn nguồn: https://tuoitre.vn/trien-khai-chien-dich-tiem-chung-lon-nhat-trong-lich-su-20210616025345916.htm

    Chou, W. Y. S., & Budenz, A. (2020). Considering emotion in COVID-19 vaccine communication: addressing vaccine hesitancy and fostering vaccine confidence. Health communication35(14), 1718-1722.

    Ciotti, M., Ciccozzi, M., Terrinoni, A., Jiang, W. C., Wang, C. B., & Bernardini, S. (2020). The COVID-19 pandemic. Critical reviews in clinical laboratory sciences57(6), 365-388.

    Creswell, J. W., & Creswell, J. D. (2017). Research design: Qualitative, quantitative, and mixed methods approaches. Sage publications.

    Cullen, W., Gulati, G., & Kelly, B. D. (2020). Mental health in the COVID-19 pandemic. QJM: An International Journal of Medicine113(5), 311-312.

    Dodd, R. H., Pickles, K., Nickel, B., Cvejic, E., Ayre, J., Batcup, C., ... & McCaffery, K. J. (2021). Concerns and motivations about COVID-19 vaccination. The Lancet. Infectious Diseases21(2), 161.

    Loomba, S., de Figueiredo, A., Piatek, S. J., de Graaf, K., & Larson, H. J. (2021). Measuring the impact of COVID-19 vaccine misinformation on vaccination intent in the UK and USA. Nature human behaviour5(3), 337-348.

    Noy, C. (2008). Sampling knowledge: The hermeneutics of snowball sampling in qualitative research. International Journal of social research methodology11(4), 327-344.

    Psycare (2021). Ứng phó với căng thẳng mùa COVID-19. Dẫn nguồn: https://www.facebook.com/psycarevietnam/photos/pcb.113615497683478/113613947683633/ 

    VNVC (2021). Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 ít hơn tỷ lệ mắc bệnh. Dẫn nguồn: https://vnvc.vn/phan-ung-sau-tiem-vaccine-covid-19-it-hon-ty-le-mac-benh/ 

    WHO (2020). COVID-19 và sức khỏe tâm thần. Dẫn nguồn: https://www.who.int/vietnam/vi/emergencies/covid-19-in-vietnam/information/mental-health 

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên