Y học

Xây dựng mô hình phát triển hệ thống y tế từ sau dịch COVID-19

  • 20/09/2021
  • Trương Minh Chương, Khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa– ĐHQG-HCM
    ---------

    1. Giới thiệu 

    Dịch COVID-19 đang diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều diễn tiến phức tạp, khó lường. Thành phố đã huy động tất cả các nguồn lực để tham gia chống dịch. Các đơn vị trung ương, các tỉnh đã hỗ trợ rất nhiều cho Thành phố trong việc chống dịch và điều trị bệnh nhân. Mặc dù chưa kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh nhưng các nỗ lực này đã đạt được một số kết quả nhất định. Để tiếp tục chống dịch và sớm đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới, điều cần được quan tâm là việc xây dựng một mô hình phát triển hệ thống y tế dựa vào kết quả của quá trình chống dịch vừa qua để đảm bảo phòng, chống dịch và đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị của người dân. Đó là mục tiêu của bài nghiên cứu này.

    2. Phương pháp thực hiện

    Việc phát triển mô hình hệ thống y tế được thực hiện dựa trên mô hình hiện tại và các trải nghiệm trong quá trình Thành phố chống dịch. Để có thể hiểu rõ về các giải pháp đã được thực hiện, tác động của các giải pháp đến hệ thống y tế và nhận diện sự phát triển của hệ thống y tế từ các trải nghiệm đó, phương pháp giản đồ nhân quả được sử dụng. 

    3. Kết quả 

    3.1 Mô tả quá trình chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số nhận diện

    Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại Thành phố từ tháng 1/2020 và đã trải qua 4 đợt bùng phát.  

    Thành phố đã triển khai chiến lược phát hiện, truy vết, khoanh vùng nhanh. Chiến lược này rất hiệu quả do phát hiện sớm các ca nhiễm và tốc độ lây lan của chủng virus tương đối chậm so với tốc độ truy vết khoanh vùng. Vì số ca nhiễm thấp nên các bệnh viện tại thành phố vẫn có thể điều chỉnh năng lực để triển khai điều trị các ca nhiễm này. Quan hệ giữa các yếu tố trong quá trình truy vết, khoanh vùng ảnh hưởng đến số ca bệnh được trình bày trong Hình 1, vùng 1.

    Hình 1. Giản đồ nhân quả thể hiện quan hệ giữa các biến số trong quá trình chống dịch tại Tp. Hồ Chí Minh.

    Trong đợt bùng phát thứ tư hiện nay, dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong Thành phố . Việc phát hiện các ca bệnh ban đầu là chậm so với tốc độ lây lan của chủng virus Delta nên số ca nhiễm cộng đồng là lớn. Sự tăng nhanh của số ca nhiễm đã tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế. Thành phố đã liên tục được sự đầu tư, chi viện từ chính phủ và các tỉnh. Tình nguyện viên cả nước tham gia chống dịch tại Tp. Hồ Chí Minh. Việc triển khai điều trị F0 tại nhà đã góp phần đáng kể, giảm quá tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19. Quan hệ giữa các yếu tố có liên quan đến quá trình khám điều trị bệnh nhân COVID-19 được trình bày trong Hình 1, mục 2.

    Khi số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng lên, một số nhà máy sản xuất đã phải ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Hàng hóa trên thị trường bị giảm. Hình 1, mục 3 trình bày quan hệ giữa các yếu tố liên quan đến nhiễm bệnh trong khu vực sản xuất, lượng hàng hóa trên thị trường và thu ngân sách của Thành phố.

    Việc giao hàng trực tuyến phát triển mạnh làm tăng số lượt shipper giao hàng và tạo rủi ro lây nhiễm từ quận/huyện này qua quận/huyện khác. Ảnh hưởng của những yếu tố này đến số ca nhiễm được trình bày trong Hình 1, mục 4.

    Việc tiêm chủng vaccine là một giải pháp cơ bản để kiểm soát dịch bệnh đã được Thành phố triển khai. Các yếu tố tác động đến việc tiêm vaccine và ảnh hưởng của việc tiêm vaccine đến số ca nhiễm được trình bày trong Hình 1, mục 5.

    Giản đồ nhân quả Hình 1 trình bày một bức tranh tổng thể các biến số có liên quan đến quá trình chống dịch tại Tp. Hồ Chí Minh. Giản đồ giúp làm rõ quan hệ giữa các biến số trong từng tình huống chống dịch với biến số trung tâm là số ca nhiễm. 

    Thực tiễn chống dịch của Thành phố được thể hiện trên giản đồ này cho phép nhận diện một số điểm như sau:

    1. Sự truy vết khoanh vùng sẽ diễn ra nhanh khi có đủ các trang thiết bị, sinh phẩm, nguồn nhân lực y khoa, nguồn nhân lực hỗ trợ, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và năng lực phát hiện bệnh nhân nhiễm trong cộng đồng. Năng lực này có thể được phát triển tốt khi việc tổ chức khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân được hình thành và hoạt động thường xuyên.
    2. Việc triển khai điều trị các bệnh nhân nhẹ tại nhà đã giúp giảm tải cho hệ thống bệnh viện và giúp việc điều trị các ca nặng được tốt hơn. Điều này cho thấy việc triển khai theo dõi điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại nhà là một phương cách hiệu quả để giảm tải cho bệnh viện.
    3. Tình nguyện viên (có hay không có chuyên môn y khoa) đã cho thấy vai trò quan trọng hỗ trợ hệ thống y tế của Thành phố, giảm áp lực nhu cầu nhân lực y khoa và cũng cố hậu cần cho các tuyến điều trị.
    4. Rất nhiều nghiên cứu được triển khai thành công của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước để đáp ứng các nhu cầu cấp bách của vaccine, trang thiết bị y khoa, sinh phẩm,…Việc đầu tư nghiên cứu sản xuất trong nước vaccine, sinh phẩm, dược phẩm, các trang thiết bị y khoa,… để chủ động nguồn cung, giảm chi phí nhập là một chương trình cần được chú trọng.
    5. Công nghệ thông tin đã có vai trò quan trọng trong khám điều trị bệnh nhân, hỗ trợ truy vết, khoanh vùng…

    Từ các nhận diện nêu trên, để tiếp tục phát triển trong trạng thái bình thường mới, một sự phát triển tiếp theo của mô hình hệ thống y tế cần được nghiên cứu đề xuất. 

    3.2 Mô hình phát triển hệ thống y tế trong trạng thái bình thường mới

    Để xây dựng mô hình phát triển hệ thống y tế, hệ sinh thái cho hệ thống y tế cần được xây dựng. Hệ sinh thái là một bộ các năng lực và dịch vụ được tạo ra từ sự tích hợp các thành viên trong chuỗi giá trị (khách hàng, nhà cung cấp, các platform, các bên có liên quan khác) thông qua một mô hình thương mại chung và nền tảng dữ liệu (được lưu trữ, quản lý và trao đổi) để tạo cho khách hàng và các bên liên quan một trải nghiệm hiệu quả hơn, giải quyết những vấn đề không hiệu quả trong liên hệ giữa các bên (McKinsey & Company, 2020). 

    Đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hệ sinh thái sẽ bao gồm 3 thành phần: Sở Y tế, các đơn vị chăm sóc sức khỏe và các đơn vị liên quan (các trường, viện nghiên cứu đào tạo y, dược khoa, các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y khoa, dược phẩm, cung cấp giải pháp IT…). Người dân - đối tượng được phục vụ là trung tâm của hệ sinh thái. Hệ sinh thái này sẽ là nền tảng để xây dựng hệ thống y tế thông minh. Cấu trúc của hệ sinh thái để phát triển việc chăm sóc sức khỏe được đề xuất và trình bày trong Hình 2.

    Hình 2. Hệ sinh thái phát triển việc chăm sóc sức khỏe

    Các đơn vị chăm sóc sức khỏe sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan dưới sự quản lý của Sở Y tế để đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Tùy các tình huống khác nhau, các bên liên quan có thể tái cấu trúc cấu hình, nguồn tài nguyên của mình, tái cấu trúc các nguyên tắc phối hợp với nhau để phù hợp với tình huống đó (Nabil Georges Badr & ctg., 2020). Sự phản hồi của người dân sẽ giúp điều chỉnh tương tác giữa các bên và nâng cao hiệu quả phục vụ bệnh nhân.

    Từ đó, mô hình phát triển hệ thống y tế được đề xuất và trình bày trong Hình 3.

    Ghi chú: Mũi tên 2 chiều nét liền: Sự phối hợp giữa các đơn vị. Mũi tên 1 chiều nét liền: Sự chỉ đạo. Mũi tên với nét đơn: Dòng bệnh nhân. Mũi tên với nét đôi: Dòng thông tin báo cáo

    Hình 3. Mô hình phát triển hệ thống y tế 

    Trong mô hình này, các bệnh viện vẫn đảm nhận vai trò chính trong khám điều trị bệnh nhân. Trong trạng thái bình thường mới, các bệnh viện cần xây dựng năng lực ứng biến với dịch bệnh. Nguồn nhân lực y khoa tại các bệnh viện sẽ được thường xuyên đào tạo cập nhật thông tin, tri thức y khoa, điều dưỡng để sẵn sàng tham gia khám điều trị bệnh nhân khi có dịch bệnh. Việc khám, điều trị giúp các bệnh viện nhận diện các thay đổi trong cấu trúc bệnh, các chỉ dấu của dịch bệnh xuất hiện. Các dữ liệu, thông tin này được báo cáo lên Sở Y tế. Các bệnh nhân sau khi xuất viện sẽ được chuyển về cho các đơn vị dịch vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe gia đình để tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Điều này giúp giảm thời gian điều trị tại bệnh viện cho bệnh nhân, giảm chi phí điều trị, giảm tải cho bệnh viện.

    Ngoài hệ thống các bệnh viện và các đơn vị tuyến cơ sở do nhà nước quản lý như hiện nay, hệ thống y tế sẽ phát triển thêm hệ thống con là các đơn vị dịch vụ chăm sóc theo dõi sức khỏe gia đình. Các đơn vị này đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ hệ thống y tế khi có dịch bệnh bùng phát (JICA, 2006). Các đơn vị này sẽ thực hiện các chức năng khám, theo dõi bệnh nhân tại nhà, các bệnh nhân sau khi xuất viện cần tiếp tục được theo dõi. Việc chăm sóc kịp thời, thuận tiện, an toàn là yêu cầu chính của dịch vụ này (NHS Provider, 2015). Các đơn vị này cũng đảm nhận việc theo dõi sức khỏe cộng đồng, kịp thời nhận diện các thay đổi trong tình trạng sức khỏe người dân và các chỉ dấu cho sự xuất hiện của dịch bệnh. Các dữ liệu, thông tin này sẽ được báo cáo cho Sở Y tế. Khi có dịch bệnh, các đơn vị này cũng đảm nhận việc truy vết, khoanh vùng dịch với sự hỗ trợ của tình nguyện viên. Một hệ thống tiêu chí đo lường kết quả thực hiện của dịch vụ này cần được xây dựng để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dân (NHS Provider, 2015). Với việc triển khai bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh viện thông minh, y tế thông minh sự phối hợp giữa các bên trong mô hình trên càng được thuận lợi, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ được nâng cao.

    Tình nguyện viên y khoa bao gồm các y bác sĩ điều dưỡng đã nghỉ hưu và các sinh viên y, dược khoa năm cuối. Các tình nguyện viên này có chuyên môn y khoa nên có thể tham gia hỗ trợ tốt công tác tại các bệnh viện cũng như các đơn vị dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe gia đình. Các tình nguyện viên cần được đào tạo các chương trình bổ túc tri thức về phòng, chống dịch bệnh, các thách thức, hỗ trợ y khoa trong giai đoạn dịch bệnh… (Lorcan O’Byrne & ctg.,2020). Các tình nguyện viên không có chuyên môn y khoa sẽ hỗ trợ các công tác thu thập dữ liệu thông tin sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ hậu cần cho việc khoanh vùng, dập dịch hay điều trị bệnh nhân.

    Các trường y dược sẽ phối hợp với các bệnh viện trong nghiên cứu, khám điều trị bệnh nhân, đào tạo học viên và tăng nguồn y bác sĩ, điều dưỡng cho các bệnh viện khi có dịch bệnh. 

    Sở Y tế cũng sẽ chủ trì phối hợp giữa các bệnh viện, các trường y dược khoa, các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y khoa, phần mềm IT để triển khai nghiên cứu sản xuất sinh phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y khoa, phần mềm IT,… đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch và theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình. Các chương trình nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch cũng sẽ được Sở Y tế đề xuất triển khai thực hiện.

    4. Kết luận

    Các diễn tiến trong thời gian qua của dịch bệnh đã cho phép rút ra một số nhận xét làm tiền đề cho sự phát triển của hệ thống y tế Thành phố. Một mô hình phát triển hệ thống y tế đã được đề xuất. Trong mô hình này, ngoài hệ thống các bệnh viện đã có hiện nay, hệ thống y tế sẽ phát triển dịch vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe gia đình. Dịch vụ này sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện, khám, theo dõi cập nhật liên tục sức khỏe cộng đồng, bệnh nhân tại gia đình và nhanh chóng phát hiện các thay đổi trong sức khỏe cộng đồng, các chỉ dấu của dịch bệnh, thực hiện công tác khoanh vùng, truy vết và điều trị các ca bệnh nhẹ. Hệ thống y tế cũng triển khai phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan như trường y dược khoa, các viện, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y khoa, các doanh nghiệp cung cấp phần mềm IT… để hỗ trợ hệ thống y tế. Tình nguyện viên y khoa là một nguồn nhân lực quan trọng cần được xem như là một bộ phận của hệ thống y tế. Các tình nguyện viên cần được đào tạo cơ bản về công tác phòng chống dịch để có thể tham gia hỗ trợ hệ thống y tế khi có dịch bệnh. Việc đầu tư phát triển các chương trình nghiên cứu vaccine, dược phẩm, trang thiết bị y khoa… cần được triển khai để chủ động nguồn vaccine, dược phẩm, trang thiết bị y khoa… giảm chi phí nhập khẩu. 

    Với mô hình phát triển hệ thống y tế nêu trên, điều được tin tưởng là người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe toàn diện nhất và hệ thống y tế hoàn toàn đủ khả năng để phát hiện và nhanh chóng dập dịch trong thời gian sớm nhất.

    Tài liệu tham khảo

    1. JICA (2006), Japanese’s Experience in Public Health and Medical System.
    2. McKinsey & Company (2020), Healthcare Systems & Services - The next wave of healthcare innovation: The evolution of ecosystems.
    3. Lorcan O’Byrne, Blánaid Gavin, Fiona McNicholas (2020), Medical students and COVID-19: the need for pandemic preparedness, Journal of Medical Ethics; 46:623–626.
    4. Nabil Georges Badr, Luca Carrubbo, Margherita Ruberto (2020), Responding to COVID – 19: Insight Into Capability Re-Configuration of Healthcare Service Ecosystems? The Use Case of Hospitalization at Home, Journal of Strategic Innovation and Sustainability Vol. 16(2), p.119 – 130
    5. NHS Provider (2015), Community Health Services -  A way of life 

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên