Kinh tế - Xã hội

Xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19

  • 09/10/2021
  • ThS. Nguyễn Thị Thu Sương
    Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
    Phó Trưởng phòng Phòng Pháp lý Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha
    ----------

    Đặt vấn đề

    Bên cạnh những tín hiệu và kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của nhà nước và quần chúng nhân dân, vẫn còn đó là “những mảng tối” để lại nhiều nhức nhối, đơn cử như tình trạng chống người thực hiện công vụ. Điều này gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phòng chống dịch bệnh. Qua bài nghiên cứu này, tác giả muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn có chiều sâu hơn về nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh phát sinh hành vi vi phạm, chế tài và một số giải pháp, trao đổi liên quan.

    Từ khóa: COVID-19, chế tài xử lý, chống người thi hành công vụ.

    1. Quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19

    1.1. Nhận diện hành vi 

    Về người thi hành công vụ

    Liên quan đến các chủ thể được xác định là “người thi hành công vụ (NTHCV)”, pháp luật hiện hành quy định trong hai văn bản là Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2007 (Luật TNBTNN) và Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống NTHCV (Nghị định 208). Tuy nhiên, hai văn bản này không có sự thống nhất. Theo đó, khoản 2 Điều 3 Luật TNBTNN quy định NTHCV là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án. Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 208 quy định NTHCV là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

    Căn cứ vào các quy định trên, xét thấy pháp luật hiện hành chưa có sự thống nhất trong việc xác định NTHCV bao gồm những chủ thể nào? Do đó, việc áp dụng các quy định vào từng trường hợp cụ thể để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm liên quan đến chống NTHCV trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 gặp một số khó khăn, nhiều trường hợp còn gây tranh cãi. Cạnh đó, trong công tác phòng, chống COVID-19, ngoài các chủ thể là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân,… thì hiện nay, còn rất nhiều chủ thể khác tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, như tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, tình nguyện viên, người tham gia công tác bảo vệ tại các tòa nhà, khu chung cư,… Như vậy, việc những chủ thể này có thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền giao để đảm bảo lợi ích nhà nước, nhân dân, thì có được xem là NTHCV trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 hay không? Nếu căn cứ vào quy định hiện hành, câu trả lời là không. Thực tế, có trường hợp cơ quan tố tụng xác định bảo vệ chung cư cũng được xem là NTHCV, song vụ việc cũng để lại nhiều quan điểm trái chiều. Theo đó, Tòa án nhân dân (TAND) quận 7 xét xử và tuyên phạt bị cáo Bùi Anh Huân về tội “Chống người thi hành công vụ”, do ông Huân đánh vào mặt người bảo vệ là ông Hà Ngọc Gia – nhân viên bảo vệ Công ty 24h sau khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang. Có quan điểm căn cứ theo hướng dẫn của Công văn số 45/TANDTC-PC của TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID -19 (Công văn 45), Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS), cho rằng ông Gia đang thi hành các nhiệm vụ được ủy ban nhân dân phường, ban điều hành khu phố và công ty chủ quản giao (nhắc nhở người dân không ra ngoài khi không thật sự cần thiết, đeo khẩu trang và cấm tụ tập quá hai người…). Ông Gia không phải là công chức, viên chức,… nhưng được giao nhiệm vụ phòng chống dịch, cho nên được xem là chủ thể đang thi hành công vụ. Quan điểm thứ hai cho rằng, xét về hiệu lực văn bản pháp luật thì Nghị định 208, Công văn 45 không thể quy định trái luật... Do đó, chỉ những người được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật TNBTNN mới được coi là NTHCV, vì vậy, ông Gia không phải là NTHCV. Theo quan điểm của tác giả, mặc dù có sự thiếu thống nhất giữa các văn bản khi xác định chủ thể thi hành công vụ và cả Nghị định 208 cũng như Luật TNBTNN đều không điều chỉnh một cách minh thị những chủ thể khác thực hiện công vụ theo yêu cầu, chỉ đạo của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có được được xem là NTHCV hay không? Tuy nhiên, trong vụ án trên nói riêng và việc xác định NTHCV trong bối cảnh thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay nói chung, việc xác định như các cơ quan tố tụng quận 7 là hợp lý. Ngoài ra, nếu áp dụng cứng nhắc theo quan điểm thứ hai nêu trên là không thuyết phục, bởi lẽ phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTNN là quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với chủ thể bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Cho nên, ý kiến cho rằng cần phải áp dụng Luật TNBTNN để xác định về NTHCV vì văn bản này có hiệu lực cao hơn Nghị định 208, Công văn 45 là không có cơ sở.

    Về hành vi chống NTHCV 

    Khoản 2 Điều 3 Nghị định 208 quy định hành vi chống NTHCV là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của NTHCV hoặc có hành vi khác nhằm cản trở NTHCV thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc NTHCV không thực hiện nhiệm vụ được giao. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 208 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân như: không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của NTHCV; chống đối hoặc cản trở NTHCV thực hiện nhiệm vụ; Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTHCV;…

    Như vậy, đối với hành vi chống NTHCV trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, pháp luật hiện hành không có quy định điều chỉnh chuyên biệt, tuy nhiên căn cứ vào những quy định có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, phòng chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì hành vi chống NTHCV trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 có thể được nhận diện là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của NTHCV hoặc có hành vi khác nhằm cản trở NTHCV thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc NTHCV không thực hiện nhiệm vụ được giao trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 (quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm trong phòng chống dịch bệnh). Các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 có thể kể đến như: không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cuỡng chế cách ly y tế;...

    1.2. Xử lý hành vi 

    Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra mà chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).

    Về chế tài hành chính: Việc xử lý hành vi chống NTHCV trong phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo sự điều chỉnh của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (Nghị định 167). Theo đó, người có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống NTHCV trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mà chưa đến mức phải truy cứu TNHS, thì bị xử phạt VPHC theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định 167, với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

    Về chế tài hình sự: Chế tài hình sự được áp dụng theo quy định của BLHS và Công văn 45. Điểm 1.9 mục 1 Công văn 45 nêu rõ người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở NTHCV trong phòng, chống COVID-19 thì bị xử lý về tội chống NTHCV theo quy định tại Điều 330 BLHS. 

    Điều 330 BLHS quy định: 

    “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở NTHCV thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
    • Có tổ chức;
    • Phạm tội 02 lần trở lên;
    • Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
    • Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

    đ) Tái phạm nguy hiểm.”

    Như vậy, trường hợp người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở NTHCV trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xem xét truy cứu TNHS về tội chống NTHCV

    Căn cứ vào các quy định nêu trên, có thể thấy rằng, mặc dù hiện nay hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi, chế tài xử lý hành vi chống NTHCV trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được quy định, hướng dẫn tương đối đầy đủ, rõ ràng, song cũng còn một số vướng mắc nhất định, gây khó khăn cho công tác xử lý cũng như việc bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

    2. Thực tiễn xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đánh giá ở góc độ nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh thực hiện hành vi vi phạm

    Xét trên bình diện thực tiễn, trong thời gian vừa qua, đi đôi với công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thì chính quyền đã rất quyết liệt trong việc rà soát, thanh tra và xử phạt VPHC đối với các chủ thể vi phạm. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, chủ thể vi phạm còn bị kiến nghị khởi tố, truy cứu TNHS, và thực tế, nhiều vụ án đã được khởi tố, đưa ra xét xử nhanh chóng, kịp thời, thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm, nâng cao ý thức cộng đồng.

    Mặc dù cho đến thời điểm thực hiện bài nghiên cứu này, chưa có những số liệu thống kê chính xác về số lượng hành vi chống NTHCV trong phòng, chống COVID-19, tuy nhiên, thông qua những cảnh báo, phóng sự, ý kiến đánh giá từ những chủ thể có thẩm quyền trên một số phương tiện truyền thông (antv.gov.vn, thanhtra.com.vn, ncov.vnanet.vn), có thể thấy rằng số lượng hành vi chống NTHCV, đặc biệt là chống đối lực lượng cảnh sát giao thông, các tổ công tác tại các chốt kiểm dịch, lực lượng y tế vẫn chưa có dấu hiệu “nguội lạnh”, thậm chí, hành vi có tính chất manh động, mức độ nguy hiểm, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Như vậy, vấn đề được đặt ra là tại sao pháp luật hiện hành đã có quy định điều chỉnh nhưng thực tiễn lại không được tuân thủ một cách đầy đủ, đồng thời đã có những chế tài pháp lý mang tính cưỡng chế, trừng phạt nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn. Điều này được lý giải như sau:

    Một, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và âm ỉ trong thời gian dài đã chi phối, thậm chí đảo lộn cuộc sống sinh hoạt bình thường của mỗi người dân, đặc biệt ở những địa phương là tâm dịch, khi chính quyền phải tăng cường áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Rõ ràng, dịch bệnh xảy ra là điều mà không ai trong chúng ta mong muốn, song thay vì học cách chấp nhận, sống chung để thay đổi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, một bộ phận người dân còn cố chấp, thậm chí vì vị kỉ cá nhân mà “bỏ quên” quyền lợi chung của toàn xã hội, dẫn đến khi nhu cầu không được đáp ứng thì cố tình chống đối lực lượng chức năng, sử dụng vũ lực, hung khí nguy hiểm để thực hiện hành vi phạm pháp. Ở đây, tác giả không đánh đồng tất cả hành vi chống NTHCV đều xuất phát từ vị kỷ, bởi lẽ, có một số trường hợp vì chưa am hiểu hết quy định pháp luật, các chính sách, chỉ thị đưa ra, chưa nhận thực rõ hành vi của mình là vi phạm, nên khi bị kiểm tra, xử lý lại tìm cách kháng cự, chống đối, song phải thừa nhận một cách nghiêm túc rằng: dù bất cứ lý do gì thì các hành vi chống NTHCV đều khó chấp nhận và không có lý do nào để dung túng. 

    Hai, Nghị định 167 đã được áp dụng trong thực tiễn hơn 7 năm, đánh giá trong bối cảnh hiện nay, chế tài, mức xử phạt đã không còn phù hợp, biện pháp xử phạt chỉ bao gồm hình thức xử phạt chính mà không có bất kỳ một hình thức xử phạt bổ sung nào liên quan, cho nên chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, đánh giá tương quan giữa điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định 167 so với khoản 1 Điều 330 BLHS (cấu thành tội phạm cơ bản), có thể thấy chưa có lằn ranh rõ ràng giữa trách nhiệm hành chính và TNHS. Bởi lẽ, theo như các quy định trên có thể thấy hành vi chống NTHCV bị xử phạt VPHC hay bị truy cứu TNHS là tương tự nhau. Điểm phân biệt giữa việc xử phạt VPHC hay truy cứu TNHS nên chăng chỉ nằm ở mức độ nguy hiểm, hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, cả hai quy định đều không làm rõ được hành vi ở mức độ nào sẽ bị xử phạt VPHC và mức độ nào thì bị truy cứu TNHS. Do vậy, trong nhiều trường hợp, sẽ gây khó khăn cho việc xác định hành vi vi phạm đã đến mức bị truy cứu TNHS hay chưa?

    Ba, một số văn bản, chỉ thị được đưa ra cấp bách, nhưng chưa có hướng dẫn kịp thời; các cấp chính quyền, đoàn thể ở một số nơi còn bị động, thiếu giải pháp hiệu quả để phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền; các cơ quan chức năng khi xử lý còn bị chi phối và phụ thuộc vào ý chí chủ quan, đây cũng là nguyên nhân gây nên tâm lý “bất tuân”, chống đối. 

    Bốn, lý do xuất phát từ chính những NTHCV thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ những vụ việc vi phạm, cần phải thừa nhận một thực tế rằng, trong một số trường hợp, các biện pháp được áp dụng đối với người dân (những người đang trong thời gian thực hiện cách ly, những người ra đường không có lý do chính đáng, những chủ thể có dấu hiệu bị nhiễm bệnh và phải áp dụng biện pháp đưa đi cách ly) còn rập khuôn, máy móc, thậm chí cực đoan, thái quá, đã vô hình trung xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây tâm lý ức chế. Đơn cử như vụ việc ông Trần Tô Ân Châu ở Cà Mau không chấp hành chiến dịch tầm soát COVID-19 mà bị cưỡng chế đưa đi cách ly tập trung, hay mới đây nhất là vụ việc xảy ra ở Bình Dương sau nhiều lần vận động một người phụ nữ ra lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhưng không được, cơ quan chức năng đã phá khóa cửa, ập vào cưỡng chế, đưa người này ra sân chung cư, khóa tay để lấy mẫu (rất may là vụ việc nay đã nhanh chóng được giải quyết hài hòa). Trong các vụ việc này, vấn đề khá nhức nhối được đặt ra, là liệu rằng việc áp dụng biện pháp cưỡng chế của chính quyền địa phương đã phù hợp hay chưa? Tác giả cho rằng, xét ở góc độ pháp lý, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế khi một người từ chối xét nghiệm COVID-19 hoàn toàn không đúng và trái luật, bởi lẽ hành vi không hợp tác với cán bộ y tế để lấy mẫu test COVID-19 là hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 117. Tuy nhiên, hành vi này chỉ có thể bị xử lý bởi hình thức xử phạt chính là phạt tiền, mà không bao gồm hình thức xử phạt bổ sung, cho nên việc cưỡng chế là không có cơ sở. Cạnh đó, thay vì quá cứng nhắc, chủ thể có thẩm quyền hoàn toàn có thể thực hiện phương án mềm dẻo, linh hoạt hơn, chẳng hạn như áp dụng biện pháp cách ly tại nhà - vừa chống dịch hiệu quả, giảm tốn kém cho nhân lực và ngân sách vừa bảo vệ quyền tự do con người trong vụ việc ở Cà Mau, hoặc tiến hành test COVID-19 tại nơi người phụ nữ ở trong vụ việc ở Bình Dương.

    3. Giải pháp

    Để hạn chế tình trạng vi phạm, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, thiết nghĩ phải áp dụng tổng hòa nhiều biện pháp với tôn chỉ vừa đảm bảo ôn hòa, mềm dẻo nhưng phải nghiêm khắc và cứng rắn. Cụ thể:

    Một, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong quần chúng nhân dân, phải để mọi người dân đều được tiếp cận, hiểu rõ các chính sách, quy định cơ bản liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là những hành vi được làm, hành vi không được làm, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào? Trường hợp người dân không đồng ý với quyết định, hành vi của NTHCV thì họ cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho mình? Cạnh đó, hiện nay đã có cẩm nang hướng dẫn về biện pháp bảo đảm sức khỏe trước COVID -19 là sách điện tử Cẩm nang phòng, chống COVID-19 trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, có thể thấy đây là tài liệu quý giá dành cho sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, cuốn cẩm nang này sẽ hoàn thiện hơn nếu tích hợp thêm nội dung về pháp lý liên quan; hoặc cần thiết xây dựng thêm một cẩm nang chuyên biệt về pháp lý, thể hiện những nội dung cốt lõi và cơ bản nhất để mọi người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu và điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

    Hai, trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm: đại dịch COVID -19 được xem như là “chưa từng có tiền lệ” trong lịch sử Việt Nam, do vậy, mọi giải pháp, phương án giải quyết cần thiết phải có sự linh động, phù hợp, trước khi quyết định xử phạt bất kỳ chủ thể nào, phải giải thích cho họ hiểu, đây cũng là một cách tuyên truyền để người dân hiểu rõ mà không tái phạm trong những lần sau, tuyệt đối “không áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá”. Hơn nữa, việc giải thích rõ ràng sẽ có ý nghĩa hơn, thay vì chỉ nêu chung chung, dùng thiết bị thông minh để quay lại quá trình xử phạt sẽ dễ dẫn đến tâm lý bức xúc cho người dân. Đối với những chủ thể có thái độ manh động, các cá nhân, cơ quan xử lý cần phối hợp chặt chẽ với nhau, sử dụng công cụ, phương tiện hỗ trợ khi cần thiết nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

    Ba, như đã phân tích, một số quy định điều chỉnh về “người thi hành công vụ”, chế tài xử lý hiện nay còn có điểm chênh không nhỏ về hành vi vi phạm nào sẽ bị xử lý hành chính, hành vi vi phạm nào sẽ bị xử lý hình sự; về một số chủ thể có tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương theo sự chỉ đạo của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như đội ngũ tình nguyện viên, các tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, người tham gia công tác bảo vệ tại các tòa nhà, khu chung cư,… trong trường hợp họ bị chống đối, khống chế thì các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có thuộc trường hợp chống NTHCV hay không? Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, có hướng dẫn cụ thể hơn về đường lối xử lý hành vi chống NTHCV trong phòng, chống dịch bệnh COVID -19, về các chủ thể thực hiện công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID -19. 

    Bốn, yếu tố cốt lõi góp phần quan trọng nhất vào hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 mà tác giả muốn đề cập trước khi khép lại bài nghiên cứu, đó là ý thức của người dân. Một chính sách, một quy định dù hoàn hảo như thế nào đi chăng nữa trên văn bản, cũng chỉ thực sự có ý nghĩa, giá trị thực thi khi được người dân hưởng ứng. Thiết nghĩ, nếu người dân sẵn sàng chấp nhận thay đổi lối sống, sinh hoạt bình thường, để thích nghi hơn với điều kiện, hoàn cảnh thay đổi do tác động của đại dịch COVID-19; đặt mình vào vị trí của người khác, để hiểu hơn những khó khăn của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi phòng, chống dịch bệnh; qua đó đánh giá, nhìn nhận và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp; đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, đồng thời có ý thức chấp hành quy định của cơ quan chức năng và pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ đảm bảo hiệu quả và sớm thành công.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên