Kinh tế - Xã hội

Thiết chế cộng đồng xã hội trong và sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19

  • 23/08/2021
  • PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội
    ---------

    Thiết chế cộng đồng ở đô thị trong giai đoạn dịch bệnh

    Đại dịch Covid-19, đặc biệt đợt bùng phát thứ tư này đã bộc lộ những điểm yếu của đời sống xã hội của Việt Nam trong những tình huống rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Qua kết quả khảo sát ý kiến người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội, chúng tôi nhận thấy người dân gặp khó khăn trong kết nối thông tin, thiếu hụt các nhu yếu phẩm, chịu nhiều áp lực tâm lý dẫn đến những sang chấn tâm lý trầm trọng và nhiều vấn đề khác đang dần bộc lộ tại các khu phong tỏa, cách ly. Người lớn tuổi, người có bệnh nền, người lao động phổ thông thì có mức độ lo lắng cao hơn những nhóm người có điều kiện kinh tế và đời sống tốt. Có một nghịch lý là người dân có thể cập nhật thông tin khắp nơi nhưng những thông tin gần gũi như trong khu xóm mình ở chủ yếu lại từ một nguồn thông tin khác, thay vì nhận được từ kênh thông tin nội bộ. Họ đứng trên tòa nhà nhìn xuống thấy xe cứu thương, thấy lực lượng phòng chống dịch giăng dây nhưng không biết một cách rõ ràng tình trạng thực sự của khu xóm mình, thậm chí là trong các tòa nhà của một khu chung cư cũng vậy. Một đô thị dịch vụ lớn mà ngày thường người dân cần gì cũng có nhưng khi sự cố xảy ra thì bó rau, cọng hành cũng trở lên khan hiếm. Tuy nhiên, cũng có những nơi dư thừa, không kịp phân phối để hư hỏng. Có thể thấy, từ lâu tại các thành phố lớn, hạ tầng đô thị được thiết kế phục vụ cho cấu hình xã hội thương mại dịch vụ hóa, đảm bảo tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của cư dân. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng các tiện ích hạ tầng đô thị và công nghệ thông tin đã góp phần vào nâng cao chất lượng cuộc sống theo chiều hướng tiện nghi hơn và thuận lợi. Tuy nhiên, song song với tiến trình này là quá trình tan rã cấu hình xã hội ở cấp cộng đồng khu xóm, các liên kết xã hội trở lên lỏng lẻo, năng lực thích nghi và ứng phó với rủi ro khi gặp thiên tai, dịch bệnh (resilience) bị suy giảm trầm trọng. Khả năng thích ứng và hồi phục trước những rủi ro thiên tai, dịch bệnh (resilience) là khái niệm khá phổ biến trong việc quản trị rủi ro xét theo bình diện từ dưới lên. Nó là một hệ thống năng lực của người dân trong việc thích ứng, phục hồi, nhằm thay đổi hoặc điều chỉnh cấu hình xã hội của cộng đồng nhưng vẫn giữ được các cấu trúc cơ bản và cách vận hành. Nó bao gồm khả năng học được từ những nhiễu loạn gặp phải. Chúng tôi nhận thấy năng lực thích ứng rủi ro (resilience) vốn dĩ trước đây có trong cơ cấu xã hội truyền thống của người Việt nhưng quá trình đô thị hóa trên nền tảng thiết kế hạ tầng đô thị như đã trình bày ở trên đang bị suy giảm nghiêm trọng.

     

    Khả năng tái thiết năng lực thích ứng của cộng đồng 

    Người Việt vốn dĩ có hệ thống thiết chế cộng đồng khá vững chắc. Một thiết chế được kiến tạo đủ năng lực tồn tại trong những thời khắc khó khăn nhất của dân tộc, chiến tranh, nạn đói và cả những thiên tai triền miên mà các nhà nghiên cứu nước ngoài nhận định đó chính là “chánh điện bất khả xâm phạm của một quốc gia”. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một bạn trẻ trong lần trò chuyện với tôi về những trải nghiệm của bản thân về đại dịch Covid-19 rằng: “sức mạnh của dân tộc mình là yếu tố tinh thần, chứ không phải là sức mạnh kinh tế hay quân sự”. Đó chính là sự gắn kết xã hội mà nhà xã hội học người Pháp đã đưa ra nhận định rất thấu đáo: “Sự gắn kết xã hội đáng chú ý của nhân dân Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho sức sống, ý chí tồn tại mà nó đã chứng tỏ suốt lịch sử của mình… Sự gắn kết này có những gốc rễ lịch sử cổ xưa, cả ở cấp làng lẫn cấp Nhà nước”. Chính trạng thái liên hiệp những tế bào nhỏ làng xã nhỏ đó tạo nên tính thống nhất và sức gắn kết của nhân dân Việt Nam. Nhà xã hội học Paul Mus ghi nhận: “Ngay từ cội nguồn của quy hoạch nông nghiệp trên đất nước, làng Việt Nam, bằng chính sức chống chịu của nó, đã là một chánh điện không thể xâm phạm của quốc gia. Không phải vì nó đủ sức chống chọi đơn độc. Nhưng ta bắt gặp hình thế có tính quốc gia đó ở mọi nơi. Nó không tập trung ở bất cứ một chỗ nào để đối thủ có thể nắm lấy như chiếm một thủ đô, như đánh bại một triều đại, như khuất phục một triều đình (…) Trước hết mọi thứ, Việt Nam là một phương thức tồn tại và cư trú mà sức biểu hiện và bành trướng là làng, rồi đến sự sinh sôi nảy nở của những làng và cuối cùng là một thảm đồng nhất những làng trồng lúa – giăng ngang xẻ dọc một khi đã chiếm được khắp đất nước’’.

    Nói tới đây, có lẽ cũng sẽ có ai đó nghi ngại rằng, tiến trình trở thành đô thị văn minh, hiện đại thì không thể có những hình thái làng xã cổ xưa như thế được. Lẽ dĩ nhiên, ta cũng không thể mang những khuôn mẫu của quá khứ cho hiện tại và tương lai. Nhưng tinh thần và cách vận hành của một cộng đồng cơ sở cũng có thể kế thừa, học hỏi cái hay từ những mô thức gắn kết xã hội của người xưa cho xã hội chúng ta ngày nay. Mà thật ra, những năng lực này vẫn còn tồn tại đâu đó trong các khu phố, con hẻm ở đô thị mà chúng ta có thể khảo sát được.

    Những đơn vị thiết chế giản đơn mà ngày thường đôi khi bị ẩn nấp trong các tiện ích, hạ tầng đô thị nay trở thành thiết yếu của cộng đồng như: tiệm tạp hóa, những bác tài xe ôm truyền thống, mối quan hệ chòm xóm dưới sự điều hành của những người lớn tuổi, có uy tín, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… Tất cả những tế bào đơn lẻ đó được vận hành theo mô thức liên hiệp chiều ngang đã giúp cho không ít những khu xóm, con hẻm vẫn là “an toàn khu” trong sự bủa vây của những điểm phong tỏa, hoặc bị giăng dây khắp nơi. 

    Mấy ngày qua, tôi đã phỏng vấn sâu các hộ dân trong vài con hẻm vẫn là “an toàn khu” này, bí kíp không gì khác hơn là dựa vào năng lực cộng đồng. Bởi mỗi cộng đồng có năng lực khác nhau và họ hiểu được những nguồn lực họ đang có để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của mình. Khi dịch bệnh đến, cơ chế phòng thủ của cộng đồng được kích hoạt, thông tin nội bộ vận hành thông suốt. Vai trò của người lớn tuổi, uy tín được đề cao. Họ bàn bạc thống nhất với nhau nhanh chóng trong cách thức tổ chức cộng đồng. Sự tương trợ, tương thân, tương ái được phát huy, không ai trong khu xóm bị bỏ rơi. 

    Khi Chỉ thị 16 tăng cường (Chỉ thị 12) giãn cách xã hội nghiêm ngặt, họ tuân thủ nhưng họ cũng thấy những bất cập trong việc tự vận hành hệ thống của mình. Một vài cá nhân “xé rào” tranh thủ kiếm chút “đồng ra đồng vào” bằng hình thức chợ di động vào các khung giờ “cán bộ ít chú ý”. Các tiệm tạp hóa và kể cả lò bánh mì cũng âm thầm sản xuất và phân phối các mặt hàng thiết yếu đến các cư dân mỗi ngày. Các hộ kinh doanh cá thể, họ có “đường dây” cung ứng và vận hành rất riêng dù có thể chỗ này, chỗ khác không tuân thủ một cách tuyệt đối chỉ thị nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc an toàn. Thật ra điều này khó tránh khỏi, bởi nền kinh tế vỉa hè của Sài Gòn là nền kinh tế “đồng ra, đồng vào”. Vậy nên, thời gian giãn cách quá lâu, cộng với cơ chế siết chặt hoạt động người dân để kiểm soát dịch bệnh của chính quyền kiến cho họ tìm nhiều phương cách để thích ứng. Những bài học kinh nghiệm của từ thời bao cấp khi hàng hóa thiết yếu bị kiểm soát thì các hình thức “xé rào” lại nảy sinh nhằm tự củng cố năng lực ứng phó của chính cộng đồng.

     

    Thực hiện mục tiêu kép với nội hàm mới

    Chiến lược chống dịch của thành phố đã phải rất khó khăn và thay đổi nhiều lần giữa lựa chọn mang tính chất nhị nguyên: có hoặc không? Bởi đây có thể xem là tình thế tiến thoái lưỡng nan cho một trận chiến với kẻ thù vô hình, xâm lấn từng khu dân cư, quét qua rất nhanh, trong khi năng lực phòng thủ của chúng ta chưa sẵn sàng. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh thành phía Nam cũng đã phải rất khó khăn giữa các quyết định mang tính chu kỳ hai tuần một lần và luôn ở tình huống chọn lựa bị động. Bộ phận tư vấn của lãnh đạo thành phố cũng có những mô hình dự báo cho những kịch bản theo mô thức ba phương án: tốt, bình thường và xấu. Nhưng tựu trung của các mô hình dự báo đều theo thể thức “Nếu…thì..” , trong khi “cái nếu” đó lại hoàn toàn nằm ở chỗ sự hợp tác của người dân đối với chủ trương của chính quyền. Và điều tiên quyết, sự hợp tác của các cộng đồng dân cư lại phù thuộc rất nhiều vào nguồn lương thực sinh tồn. Khi giãn cách xã hội diễn ra, mọi vận hành tự nhiên đều ngưng đọng, nguồn cung ứng các loại thực phẩm thiết yếu được tập trung vào một vài đơn vị đầu mối hoặc một vài doanh nghiệp có năng lực. Nhu cầu rất lớn của người dân và sự cáng đáng, năng lực cung ứng của đơn vị phân phối không gặp nhau dẫn đến sự rối loạn. Đánh giá về vấn đề này, có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau như chiến lược truyền thông, khả năng vận hành giao thương, năng lực nhận thức và hợp tác các nhóm cộng đồng dân cư khác nhau. Đó chưa kể mục tiêu kép ban đầu dường như cơ quan chức năng quá tập trung vào câu chuyện chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các khu công nghiệp ở Việt Nam là công xưởng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cho các quốc gia trên khu vực. Trước bối cảnh đó, một số sáng kiến được đưa ra như “sản xuất ba tại chỗ và một cung đường”, có nơi thành công nhưng có nơi thì lại là nguyên do cho những hệ quả lây lan dịch bệnh. Trong giai đoạn này, chúng ta lại phải định nghĩa khái niệm “mục tiêu kép” cho phù hợp hơn, trong đó mục tiêu tối quan trọng vẫn là bảo vệ sức khỏe, sinh mạng người dân. Nhưng chúng ta cũng không thể cực đoan đến mức ngồi yên cho đại dịch càn quét một cách bị động. Chính quyền đang nỗ lực cho chiến lược tăng tốc vắc-xin, giãn cách xã hội để tránh lây lan... đó là những giải pháp chính đáng hơn bao giờ hết. Chúng ta cũng cần dự phóng cho một diễn trình sắp tới, sự hồi sinh nền kinh tế, trước mắt là hồi sinh năng lực cộng đồng, chuỗi cung ứng dịch vụ nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và chủ động phục hồi nền kinh tế từ các phương thức dịch vụ. Trong giai đoạn này, việc cung ứng dịch vụ, cung ứng nhu yếu phẩm đã trở lại một cách dè dặt với một số đơn vị nhà nước, hoặc doanh nghiệp lớn. Chúng ta có hệ thống vận chuyển linh hoạt dựa vào đội ngũ shipper công nghệ nên phải tính tới khả năng phục hồi của những “an toàn khu” trong việc tái khởi động dịch vụ tại nhà và phân phối bằng hệ thống shipper xe ứng dụng công nghệ có kiểm soát như hiện nay. Chúng ta phải vực lại năng lực cộng đồng với đầy đủ chức năng vốn có của nó thì mục tiêu kép sẽ có cơ hội trở lại.

     

    Thành phần tham gia tái thiết cộng đồng xã hội giai đoạn Covid-19

     

    Cộng đồng xã hội là một thiết chế phức hợp, khi dịch bệnh, thiên tai ập tới, cơ chế khẩn cấp được kích hoạt nhưng không có nghĩa chỉ có một vài bộ phận đóng vài trò “tuyến đầu” che chở cho toàn dân. Số lượng hữu hạn chăm lo cho một khối dân cư khổng lồ với nhiều thành phần, năng lực khác nhau là không khả thi nên cần nhìn lại vấn đề này một cách thấu đáo, cần những cá nhân, con người ở những chuyên môn khác nhau cùng tham gia vào giải quyết các vấn đề xã hội. Hiện nay, việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, phòng chống dịch bệnh chủ yếu được biết đến là các nhà kinh tế, các nhà dịch tễ học mà không thấy có nhiều sự tham gia các cá nhân đơn vị chuyên môn khác, cũng không kém phần quan trọng: quản trị học, xã hội học, tâm lý học, nhân học, công tác xã hội, chuyên viên phát triển cộng đồng,... Họ được đào tạo bài bản để giải quyết những vấn đề nan giải mà thành phố đang gặp phải? Một câu hỏi đặt ra họ đang ở đâu trong trận chiến đại dịch lần này? Họ là đối tượng thụ hưởng ngồi tại nhà chờ mọi người tới hỗ trợ chăng? Rất nhiều người đã tham gia vào các hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Nhưng có lẽ hiệu quả hơn khi họ được mời gọi tham gia vào các công việc đúng chuyên môn và họ cũng không thể “đơn phương độc mã” làm việc nếu không có sự hiệp lực công - tư. Vậy nên câu hỏi này có lẽ phần nhiều dành cho các cấp lãnh đạo, vận hành chính sách hơn là những nhà chuyên môn?

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên