Tổng quan tài liệu nghiên cứu của các trường đại học tiên tiến trên thế giới về phẩm chất sinh viên tốt nghiệp (graduate attributes) cho thấy có một số động lực cho sự xuất hiện và lan tỏa của việc sử dụng khái niệm này, cụ thể như sau:
(1) Sự biến đổi trong yêu cầu của xã hội đối với các trường đại học
Trong xu thế phát triển của giáo dục đại học diễn ra sự chuyển đổi đánh giá chất lượng đại học dựa trên các yếu tố đầu vào (số lượng sinh viên, điểm tuyển sinh, chất lượng sinh viên đầu vào) sang đánh giá các yếu tố đầu ra (sinh viên khi tốt nghiệp sở hữu những khả năng gì?). Sự chuyển đổi này đặt ra yêu cầu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng tiếp cận giáo dục dựa trên kết quả đầu ra trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo của mình.
Ngoài ra, quản trị giáo dục đại học tiên tiến được vận hành theo cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học ra quyết định hữu hiệu về công tác chuyên môn, các chuẩn mực, nhiệm vụ quản lý và các hoạt động liên quan. Trong cơ chế tự chủ, yêu cầu các trường đại học phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội, một trong các nội dung giải trình là công khai và đánh giá được kết quả đào tạo của mình. Kết quả đào tạo này chính là phẩm chất và năng lực của người sinh viên tốt nghiệp, nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Việc xác định và công bố phẩm chất và năng lực sinh viên tốt nghiệp giúp trường đại học thực hiện trách nhiệm giải trình trong cơ chế tự chủ hiện nay.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở giáo dục và quá trình toàn cầu hoá đã khiến cho sự cạnh tranh trong hoạt động đào tạo trong giáo dục đại học diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt. Để có thể tồn tại và phát triển đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần tôn trọng và bám sát vào yêu cầu của xã hội về sản phẩm đào tạo của mình. Do vậy, những sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, trong đó có năng lực và phẩm chất, liên tục được đề xuất và triển khai trong thời gian qua.
(2) Nhu cầu cần có một ngôn ngữ, sự thấu hiểu chung trong chương trình đào tạo (CTĐT)
Xu hướng liên thông, công nhận chứng chỉ, chuyển đổi giữa các ngành, trường, khu vực, quốc gia được đẩy mạnh nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi công dân học tập suốt đời. Do vậy, CTĐT cần có một ngôn ngữ chung thống nhất tạo điều kiện cho việc liên thông, công nhận chứng chỉ, chuyển đổi giữa các ngành, trường, khu vực, quốc gia được đẩy mạnh và diễn ra hiệu quả. Thêm vào đó, đây còn là nền tảng để tạo ra sự liên kết giữa các môn học trong cùng một CTĐT.
(3) Tạo ra sự chuyển đổi trong tiếp cận giảng dạy và học tập
Trên cơ sở những chuyển đổi trong cách tiếp cận, mục tiêu đào tạo đặt ra yêu cầu phải có sự chuyển đổi trong tiếp cận giảng dạy và học tập theo hướng: (1) Nội dung học tập gắn bó với thế giới thực, tạo động lực cho việc học tập; (2) Người học tự chủ trong việc xác định, phấn đấu đạt được mục tiêu học tập của mình. Nếu được thực hiện đúng và hiệu quả, quá trình học tập, đánh giá trở nên gần với tiếp cận lấy người học làm trung tâm, tích cực hơn, thực tế hơn.
Hãy là người bình luận đầu tiên