Kinh tế - Xã hội

Hiệu quả của biện pháp phong tỏa: từ Thế giới đến thực tiễn ở Việt Nam

  • 09/08/2021
  • ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân – PGS. TS Trần Hùng Sơn
    Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật
    --------------

    Hiệu quả của biện pháp phong tỏa trên thế giới
    Đã gần hai năm kể từ lần bùng dịch đầu tiên vào đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài và tái diễn nhiều lần với các biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn cho sức khỏe người dân. Vì thế, ngoài các biện pháp y tế, các chính sách nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 là rất quan trọng. Đặc biệt, trong những giai đoạn đầu tiên của đại dịch, hầu hết các quốc gia triển khai các biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển đã mang lại hiệu quả nhất định, làm giảm khả năng lây lan virus (Caselli và các tác giả, 2021; Deb và các tác giả 2020; Li và các tác giả, 2021; Wong và các tác giả, 2020). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra khi dịch bệnh kéo dài và tái diễn liên tục thì các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển này còn duy trì hiệu quả như ban đầu hay không? làm thế nào để kiểm soát dịch có hiệu quả và giảm thiểu chi phí kinh tế cho người dân và doanh nghiệp? là những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

    Đối với các nhà hoạch định chính sách, do sự chậm trễ trong việc thu thập thông tin kinh tế, xã hội và tài chính thông qua các phương tiện thông thường, nên việc trả lời những câu hỏi này trong thời gian ngắn là rất khó khăn. Tuy nhiên, sự sẵn có của “dữ liệu lớn” là một yếu tố có thể hỗ trợ theo dõi phản ứng của đại dịch. Các công ty công nghệ lớn như Google đã cung cấp dữ liệu di chuyển của cộng đồng để có thể theo dõi tác động của các biện pháp ngăn chặn đại dịch theo thời gian thực trên toàn thế giới.

    Do các gánh nặng về kinh tế, tâm lý-xã hội và giảm mức độ tuân thủ việc phong tỏa đã tạo nên những tác động phi tuyến đối với hiệu quả của việc phong tỏa. Iio và cộng sự (2021) chỉ ra rằng tại Greater Houston, Texas, người có thu nhập cao có khả năng tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, phong tỏa, làm việc và học tập tại nhà nhiều hơn những người có thu nhập thấp. Goldstein và cộng sự (2021) đánh giá hiệu quả của việc phong tỏa và xu hướng giảm di chuyển của cộng đồng theo thời gian. Tác giả sử dụng dữ liệu bảng gồm 152 quốc gia, từ khi đại dịch bùng phát cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, bao gồm hai chỉ số:
    •    Chỉ số OxCGRT (The Stringency Index from Oxford´s COVID-19 Government Response Tracker), đo lường mức độ nghiêm ngặt của việc phong tỏa.
    •    Chỉ số Google mobility, đo lường mức độ di chuyển của cộng đồng tại nơi làm việc.

    Tác giả chỉ ra rằng, việc phong tỏa nghiêm ngặt làm giảm việc lây lan và tử vong liên quan đến COVID-19. Hiệu ứng này có tác động tương đối kéo dài: tác động tích lũy của các trường hợp tử vong đạt đỉnh điểm vào khoảng 60 ngày sau khi gia tăng mức độ phong tỏa; tác động đến tốc độ lây nhiễm đạt đỉnh sau 20 ngày. Kết quả tương tự khi phân tích dữ liệu Google mobility, kết quả này khẳng định những phát hiện của các nghiên cứu trước đó. Đồng thời, tác giả còn chỉ ra rằng các chính sách phòng ngừa này giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn so với giai đoạn đầu của dịch và tác động của các chính sách này có xu hướng giảm mức ý nghĩa thống kê nhanh hơn. Ngược lại, về mặt thống kê, không có sự khác biệt đáng kể nào giữa hai giai đoạn của đại dịch tác động lên tỷ lệ lây nhiễm.

    Tác động suy giảm của việc phong tỏa có thể một phần do việc tuân thủ các hạn chế về di chuyển của cộng đồng khó có thể duy trì lâu dài về mặt kinh tế và xã hội (Yeyati và Sartorio, 2020). Khi phân tích tác động của các chính sách ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt hơn trong việc giảm di chuyển của cộng đồng tại nơi làm việc, Goldstein và các tác giả (2021) cho thấy chỉ số OxCGRT tác động có ý nghĩa thống kê đến di chuyển của cộng đồng tại nơi làm việc nhưng có xu hướng suy yếu sau 120 ngày phong tỏa chặt chẽ. Tuy nhiên, việc giảm di chuyển của cộng đồng có tác động giảm dần đáng kể đối với mức giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 và không có tác động đáng kể đến tỷ lệ lây nhiễm. Nói cách khác, các biện pháp can thiệp phi y tế có tính chất giảm dần hiệu quả tác dụng.

    Kartal và các tác giả (2021) sử dụng bộ dữ liệu của chỉ số Google mobility (đo lường mức độ di chuyển của cộng đồng) nhằm xem xét mối quan hệ giữa mức độ di chuyển với số ca nhiễm bệnh và tử vong trong đại dịch tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả cho thấy có mối liên kết giữa các chỉ số mức độ di chuyển và đại dịch (số lượng nhiễm bệnh và số lượng tử vong) trong dài hạn. Kết quả đồng thời cho thấy có mối quan hệ giữa một số loại hình di chuyển (chẳng hạn như đến tạp hóa, công viên, khu dân cư, bán lẻ, nơi làm việc) và các chỉ số về đại dịch (số ca nhiễm bệnh và tử vong).

    Thực tiễn tại Việt Nam
    Từ tổng quan các nghiên cứu của Goldstein và các tác giả (2021) và Kartal và các tác giả (2021), bài viết sử dụng bộ dữ liệu (1) báo cáo di chuyển cộng đồng của Google (Community Mobility Reports) và (2) bộ dữ liệu Our World In Data (gồm các chỉ số về mức độ nghiêm ngặt tuân thủ quy định chống dịch COVID-19 và số lượng nhiễm mới mỗi ngày) để phân tích mối liên hệ giữa mức độ di chuyển của cộng đồng, mức độ nghiêm ngặt của việc phong tỏa và số ca nhiễm bệnh của cộng đồng tại Việt Nam, trong giai đoạn 15/02/2020 đến 24/7/2021.1

    Dữ liệu báo cáo di chuyển cộng đồng của Google phản ánh một phần hiệu quả của các chính sách phong tỏa hay giãn cách xã hội ở Việt Nam thông qua những thay đổi về lượng người đến các địa điểm công cộng. Bộ dữ liệu cho biết lượng người đến tại các địa điểm như: (1) cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc, (2) công viên, (3) trạm giao thông công cộng, (4) bán lẻ và giải trí, (5) nơi làm việc, (6) nơi ở, đang thay đổi như thế nào ở các địa phương và trên phạm vi toàn quốc. Hình 1 cho thấy lượng người đến các địa điểm công cộng như bán lẻ và giải trí, công viên, trạm giao thông công cộng, cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc giảm xuống đáng kể. Trong khi đó, lượng người tại nơi làm việc giảm không nhiều và số người ở nhà tăng. Kết quả này cho thấy hạn chế di chuyển của cộng đồng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thực sự có hiệu quả.

    Hình 1: Mức độ di chuyển cộng đồng, tính nghiêm ngặt tuân thủ quy định chống COVID-19 và số ca nhiễm mỗi ngày của Việt Nam từ ngày 15/02/2020 đến 24/7/2021.
     

    Nguồn: Google (2021) và Our Word In Data (2021)

    Về mặt tổng thể, việc hạn chế di chuyển của cộng đồng có xu hướng giảm xuống giữa các làn sóng dịch, một phần do thay đổi chính sách phong tỏa và hạn chế di chuyển của Việt Nam. Đối với làn sóng dịch đầu tiên, chính sách giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển được triển khai trên phạm vi toàn quốc nên lượng người đến các địa điểm công cộng giảm mạnh. Từ lần bùng dịch thứ hai trở đi, chính sách hạn chế di chuyển và tính di chuyển được áp dụng tập trung cho những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch mạnh nhất. Ví dụ, tại làn sóng dịch thứ 2 tại Đà Nẵng, chính sách phong tỏa, hạn chế di chuyển được thực hiện ở Đà Nẵng, tương tự, đối với lần bùng dịch thứ ba là ở Hải Dương và lần bùng dịch thứ tư tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả là mức độ hạn chế di động của cộng đồng cả nước sẽ giảm so với lần bùng dịch thứ nhất. Việc thực hiện chính sách phong tỏa theo từng địa phương sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế hơn so với việc áp dụng trên phạm vi toàn quốc, đồng thời vừa giúp Việt Nam hạn chế được khả năng lây nhiễm vừa tăng khả năng mở cửa trở lại nhanh hơn.
    Khi xem xét hệ số tương quan giữa mức độ di chuyển của cộng đồng, kết quả cho thấy, nhìn chung việc hạn chế di chuyển của cộng đồng có tương quan âm với số ca nhiễm bệnh hằng ngày tại Việt Nam (Bảng 1)2. Điều này, cho thấy việc hạn chế di chuyển thực sự có hiệu quả, giúp giảm lượng lây nhiễm cộng đồng.
    Bảng 1. Tương quan giữa mức độ di chuyển cộng đồng với số ca nhiễm bệnh mỗi ngày ở Việt Nam

     

    Số ca nhiễm mỗi ngày

    Bán lẻ và giải trí

    Cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc

    Công viên

    Trạm giao thông công cộng

    Nơi làm việc

    Nơi ở

    Số ca nhiễm mỗi ngày

    1.000

               

    Bán lẻ và giải trí

    -0.476

    1.000

             

    Cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc

    -0.357

    0.832

    1.000

           

    Công viên

    -0.350

    0.638

    0.543

    1.000

         

    Trạm giao thông công cộng

    -0.462

    0.912

    0.764

    0.480

    1.000

       

    Nơi làm việc

    -0.374

    0.465

    0.312

    -0.085

    0.629

    1.000

     

    Nơi ở

    0.255

    -0.593

    -0.636

    -0.255

    -0.531

    -0.334

    1.000

    Tuy nhiên, theo Goldstein và cộng sự (2021), các chính sách phong tỏa có khuynh hướng giảm dần hiệu quả khi đại dịch kéo dài. Nghĩa là trong thời gian đầu, việc phong tỏa sẽ làm giảm đáng kể mức độ lây lan của virus và số ca tử vong liên quan, nhưng hiệu ứng này giảm dần theo thời gian. Tác động của việc phong tỏa bị suy giảm có thể được giải thích do việc tuân thủ các hạn chế về di chuyển của cộng đồng khó có thể duy trì lâu dài do các gánh nặng về kinh tế và tâm lý - xã hội bị dồn nén và mức độ tuân thủ việc phong tỏa ngày càng giảm.

    Thật vậy, khi xem xét chỉ số OxCGRT (The Stringency Index from Oxford´s COVID-19 Government Response Tracker), đo lường mức độ nghiêm ngặt của việc phong tỏa, kết quả cho thấy, so với làn sóng dịch lần thứ 1, mức độ nghiêm ngặt của việc giãn cách xã hội ở Việt Nam có khuynh hướng giảm ở các làn sóng dịch thứ 2, 3 và 4 (Hình 1). Kết quả này có thể giải thích bởi chính sách phong tỏa theo từng địa phương thay vì áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là các phân tích ở đây không hàm ý rằng không nên thực hiện các chính sách phong tỏa khi dịch bùng phát. Việc phong tỏa phải được thực hiện nghiêm ngặt và thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngoài ra, khi thực hiện các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển của cộng đồng nhằm giảm lây nhiễm virus thì chính phủ và các địa phương cần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ cho người yếm thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và việc phong tỏa.

    Kết luận và hàm ý chính sách
    Các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới cho thấy rằng các biện pháp hạn chế dịch bệnh được áp dụng trong một thời gian dài hoặc được áp dụng lại khi đại dịch tái diễn có dấu hiệu suy giảm tác động đối với sự lây lan của virus và số lượng tử vong, so với giai đoạn đầu áp dụng. Những phát hiện này đặc biệt liên quan đến các quốc gia mới nổi và đang phát triển, những nước gặp hạn chế trong chiến dịch tiêm chủng vaccine trên quy mô lớn và có thể phải đối mặt với các làn sóng bùng phát dịch liên tiếp khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Sau một năm suy thoái kinh tế và gánh chịu các chi phí y tế đáng kể, cường độ phong tỏa liên tục sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và xã hội của các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ngay cả khi các chính sách ngăn ngừa dịch này đã đóng vai trò quan trọng trong thời gian đầu của dịch, nhưng nó khó có thể áp dụng lại trong tương lai.

    Dịch bệnh làm gián đoạn cả hệ thống giao thông và y tế.  Mặc dù, trong giai đoạn dịch bệnh, người dân đã trì hoãn nhu cầu chăm sóc y tế nhưng một bộ phận lớn người dân vẫn cần được hỗ trợ y tế. Vấn đề bất bình đẳng khiến cho khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người có thu nhập thấp càng khó khăn hơn. Những kênh chăm sóc sức khỏe qua điện thoại, mạng xã hội được hình thành nhưng vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu hiện tại, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương (Chen và các tác giả, 2021). Vì thế, cần thiết lập một liên kết chặt chẽ giữa hệ thống y tế và giao thông nhằm giải quyết thách thức trên.

    Iio và các tác giả (2021) chỉ ra rằng người có thu nhập cao dễ thích nghi với việc giảm khả năng di chuyển hơn người có thu nhập thấp. Tương tự, Fatmi và các tác giả (2021) cũng chỉ ra rằng người có thu nhập cao, những người trẻ và trung niên, và những người lao động toàn thời gian có khả năng giảm việc di chuyển cộng đồng nhiều hơn các nhóm còn lại. Điều này cho thấy lý do đằng sau sự không linh hoạt trong các nhóm dân cư có thu nhập thấp, người có việc làm không ổn định trong thời kỳ đại dịch. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ giúp người dân yếm thế để có thể đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu và thích nghi được với việc bị hạn chế đi lại.

    Ngoài ra, việc sử dụng các dữ liệu lớn sẽ hỗ trợ cho các cơ quan quản lý theo dõi và đánh giá tác động của các chính sách theo thời gian thực, để từ đó điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn. Do vậy, chính phủ cần có một gói kích thích số, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ dữ liệu lớn để chuẩn bị cho nền kinh tế hậu đại dịch như:
    -    Tăng cường kết nối: Tăng cường dung lượng băng thông rộng để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ internet; mở rộng việc truy cập internet, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Việc sử dụng internet để giao lưu và giải trí giúp người dân hạn chế việc di chuyển trong cộng đồng (Yabe và cộng sự 2021). Đồng thời có một mối quan hệ thay thế giữa việc sử dụng internet để mua sắm hàng ngày và đi ra ngoài. Vì thế, củng cố hệ thống đường truyền internet cũng giúp người dân hạn chế di chuyển, tránh lây nhiễm.
    -    Củng cố cơ sở hạ tầng dữ liệu cốt lõi: Đầu tư vào các giải pháp số để lưu trữ, tính toán và bảo vệ dữ liệu lớn; xây dựng dữ liệu lớn và các trung tâm siêu máy tính; tận dụng internet vạn vật (IoT) và cảm biến để thu thập và chia sẻ các dữ liệu phi cấu trúc.

    Tài liệu tham khảo

    Caselli, F., Grigoli, F., & Sandri, D. (2021). Protecting lives and livelihoods with early and tight lockdowns. The BE Journal of Macroeconomics.

    Chen, K. L., Brozen, M., Rollman, J. E., Ward, T., Norris, K. C., Gregory, K. D., & Zimmerman, F. J. (2021). How is the COVID-19 Pandemic Shaping Transportation Access to Health Care? Transportation Research Interdisciplinary Perspectives, 100338.

    Deb, P., Furceri, D., Ostry, J. D., & Tawk, N. (2020). The effect of containment measures on the COVID-19 pandemic.

    Fatmi, M. R., Thirkell, C., & Hossain, M. S. (2021). COVID-19 and Travel: How Our Out-of-home Travel Activity, In-home Activity, and Long-Distance Travel Have Changed. Transportation Research Interdisciplinary Perspectives, 10, 100350.

    Goldstein, P., Yeyati, E. L., & Sartorio, L. (2021). Lockdown fatigue: The diminishing effects of quarantines on the spread of COVID-19.

    Iio, K., Guo, X., Kong, X., Rees, K., & Wang, X. B. (2021). COVID-19 and social distancing: Disparities in mobility adaptation between income groups. Transportation Research Interdisciplinary Perspectives, 10, 100333.

    Kartal, M. T., Depren, Ö., & Depren, S. K. (2021). The relationship between mobility and COVID-19 pandemic: Daily evidence from an emerging country by causality analysis. Transportation Research Interdisciplinary Perspectives, 10, 100366.

    Li, Y., Campbell, H., Kulkarni, D., Harpur, A., Nundy, M., Wang, X., . . . for COVID, U. N. (2021). The temporal association of introducing and lifting non-pharmaceutical interventions with the time-varying reproduction number (R) of SARS-CoV-2: a modelling study across 131 countries. The Lancet Infectious Diseases, 21(2), 193-202.

    Wong, M. C., Huang, J., Teoh, J., & Wong, S. H. (2020). Evaluation on different non-pharmaceutical interventions during COVID-19 pandemic: An analysis of 139 countries. The Journal of Infection, 81(3), e70.

     

    ________________

      1Làn sóng dịch lần thứ tư vẫn chưa kết thúc, dữ liệu phân tích đến ngày 24/7/2021.

      2Dữ liệu chưa tách số ca nhiễm bệnh nhập cảnh.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên